Phát huy nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 23/03/2021 10:37:15

ĐTO - Hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Tháp đẩy mạnh phát huy nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp (DN).


Sản phẩm của các doanh nghiệp từng bước đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Thời gian qua, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh có những đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 6,44%. Đóng góp yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm khoảng 21,27% GRDP. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ đạt 42%.

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn chế, để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư để huy động tốt nhất nguồn lực từ cộng đồng DN. Từ những cơ chế khuyến khích hỗ trợ DN, DN khởi nghiệp phát triển, thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, kết nối giới thiệu tiềm năng thế mạnh đầu tư góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy DN phát triển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020, tỉnh phát triển mới được gần 2.700 DN, tổng vốn đăng ký đạt gần 17 nghìn tỷ đồng. So với giai đoạn 2011-2015, số DN thành lập mới tăng khoảng 26%. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 4.300 DN thực tế đang hoạt động; có 195 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 19.600 tỷ đồng. Nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển cả giai đoạn khoảng 81.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của DN trong và ngoài nước và vốn đầu tư của cộng đồng dân cư địa phương.

Mặc dù công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ, phát triển DN có những cải thiện tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Chỉ tiêu đóng góp vốn đầu tư phát triển trên tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của khối DN chưa đạt như mong đợi. Nguyên nhân là do phần lớn DN của tỉnh là DN nhỏ và vừa. Số lượng DN phát triển mới ngày càng tăng về số lượng nhưng chất lượng phát triển chưa bền vững. Đa số các DN nhỏ và vừa còn yếu về lực lượng lao động lẫn trình độ khoa học kỹ thuật, sức cạnh tranh kém; chính sách thuế hỗ trợ Hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN chưa đủ hấp dẫn...

Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021 - 2025), tỉnh đặt ra tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 7,5%/năm, tương ứng với nguồn lực cho đầu tư phát triển cần huy động khoảng 150.000 tỷ đồng, bình quân 30.000 tỷ đồng/năm và bằng 1,85 lần so với giai đoạn 2016-2020. Số lượng DN thành lập mới là 3.050 DN, bình quân hàng năm là 610 DN/năm, tăng 74% so với giai đoạn 2016-2020. Đây là mục tiêu tương đối cao, có nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới, ảnh hưởng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội như định hướng, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh minh bạch, thân thiện. Khuyến khích các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với phát triển các chuỗi ngành hàng của tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; luôn sát cánh cùng DN, giải quyết nhanh, dứt điểm các vấn đề mà DN quan tâm, đặc biệt là thủ tục hành chính.

 Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tập trung ưu tiên triển khai các trục giao thông chính; tập trung hỗ trợ các địa phương trong tỉnh hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn. Chuẩn bị nguồn nhân lực kỹ thuật, quản lý chất lượng cao phục vụ cho các dự án quy mô lớn, dự án công nghệ cao.

Đồng thời, Trung ương cần xem xét điều chỉnh chính sách thuế nhằm tạo điều kiện khuyến khích Hộ kinh doanh chuyển thành DN. Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới thay thế cho Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để các DN trên địa bàn tỉnh sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ. Đồng thời sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, với quyết tâm thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đồng Tháp còn quan tâm tạo ra các nguồn lực lớn không chỉ là tiền bạc, tài nguyên mà còn là yếu tố con người văn hóa và niềm tin... Đặc biệt, tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển mạnh nguồn lực nội tại thông qua phát triển DN, phong trào khởi nghiệp để mỗi người vươn lên làm giàu chính đáng, làm chủ quê hương...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn