Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp

Phát huy vai trò “cầu nối” trong chuỗi liên kết sản xuất

Cập nhật ngày: 21/04/2022 13:06:33

ĐTO - Với mong muốn giúp nông dân thích ứng tốt trong bối cảnh sản xuất mới, thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đồng Tháp có nhiều cách làm hay, giúp nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Từ sự hỗ trợ đó, đến nay, nhiều hội viên Hội Nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, hướng đến áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, canh tác theo hướng hữu cơ nhằm thuận lợi hơn trong việc kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN), đáp ứng nhu cầu ngày càng khắc khe của người tiêu dùng.


Sản xuất sen theo hướng hữu cơ giúp nông dân Lê Văn Bo chủ động đầu ra cho sản phẩm

Anh Lê Văn Bo - hội viên Hội Nông dân xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh là nông dân khá liều lĩnh khi trong tay không có đất sản xuất vẫn mạnh dạn thuê hàng chục hecta đất để trồng sen. Không chỉ vậy, anh còn mày mò nghiên cứu chuyển đổi trồng sen theo hướng hữu cơ. Nhờ thay đổi tập quán canh tác nên chất lượng sản phẩm sen của anh Bo được cải thiện đáng kể. Thời gian đầu, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm vẫn còn khó khăn, nhưng đến nay, sản phẩm sen của anh Lê Văn Bo đã được thị trường biết đến và ưa chuộng ngày càng nhiều. Các DN đến đặt hàng, thu mua sản phẩm gương sen, hạt sen tươi, hoa sen, lá sen để phục vụ chế biến. Thông qua việc thay đổi trong cách làm, giúp anh Bo trụ vững với nghề trồng sen, cải thiện thu nhập đáng kể.

Anh Lê Văn Bo chia sẻ: “Gắn bó với cây sen hơn chục năm, tôi cũng thấu hiểu được thăng trầm của cây sen. Vào thời điểm “hút hàng”, giá gương sen tươi lên đến 60 - 70 ngàn đồng/kg là chuyện thường. Tuy nhiên, cũng có lúc sen vào vụ, gương sen rớt giá chỉ còn 15 ngàn đồng/kg. Trước đây, bước vào mỗi mùa vụ trồng sen, nông dân đều thấp thỏm với tâm lý “hên-xui” trong canh tác. Tuy nhiên, từ ngày chuyển đổi trồng sen theo hướng hữu cơ, chất lượng sen được nâng lên, thu hút nhiều DN đến thực hiện kết nối tiêu thụ. Mặc dù, hợp tác sản xuất với DN có nhiều quy định ràng buộc nhưng chịu khó thay đổi và thích ứng thì đây là giải pháp bền vững giúp nông dân đi đường dài với sản xuất nông nghiệp”.

Hiện tại, anh Lê Văn Bo còn “bắt tay” với nhiều nông dân trồng sen ở địa phương để thành lập tổ hợp tác nhằm xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của DN chế biến.

Không chỉ ngành hàng sen, hiện nay, hội viên Hội Nông dân tỉnh đang tích cực thay đổi cách làm để kết nối bền vững với DN ở nhiều ngành hàng thế mạnh khác của tỉnh. Nhiều năm trước đây, khi nhắc đến mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nhiều nông dân vẫn còn tâm lý lạ lẫm và e dè thì hiện nay cách làm này được nhiều nông dân tỉnh nhà hưởng ứng nhiệt tình.

Trước tinh thần đó, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh quyết định triển khai 2 mô hình thuộc Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” tại 2 huyện Hồng Ngự và Tam Nông. Theo đó, diện tích lúa trong mô hình được thực hiện kết nối chặt chẽ với các DN cả khâu cung ứng nguyên vật liệu đầu vào lẫn bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Mặc dù mô hình chỉ mới triển khai trong vụ hè thu này nhưng các hội viên trong mô hình đều bày tỏ sự phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của mô hình.

Bà Phan Thị Kim Nhung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Hội Nông dân trong thực hiện chuỗi liên kết, trong quý I/2022, các cấp Hội tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ được trên 967 tấn nông sản. Trong đó, nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh được tiêu thụ tốt như: lúa, xoài, nhãn, sen... Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ nông dân tiêu thụ được 34 tấn nông sản. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ làm “cầu nối” giữa nông dân và DN nhưng để chuỗi sản xuất nông nghiệp đi đúng định hướng, hiện Hội Nông dân tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp giúp các mô hình chuỗi liên kết đi vào chiều sâu hơn.

Theo bà Phan Thị Kim Nhung, hiện nay, xu hướng tiêu dùng của thị trường và các DN là yêu cầu có vùng nguyên liệu sản xuất theo các quy chuẩn về an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng rõ ràng... Tuy nhiên, số lượng nông sản đáp ứng các yêu cầu này vẫn còn hạn chế. Do đó, trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ người nông dân “bổ khuyết” những điều kiện còn thiếu khi thực hiện liên kết. Đồng thời khuyến khích nông dân đẩy mạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng, an toàn trong thời gian tới. Hội Nông dân tỉnh sẽ ưu tiên đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và kết nối tiêu thụ cho những sản phẩm được chứng nhận của nông dân. Ngoài ra, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tiến tới cùng nhau hợp tác dưới “mái nhà chung” hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã cũng đang được các cấp Hội ở các địa phương đẩy mạnh. Khi tư duy canh tác thay đổi, người nông dân mới có thể chủ động trong sản xuất nhằm mang lại lợi nhuận và thu nhập tốt hơn...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn