Phát triển thị trường lao động trong bối cảnh mới

Cập nhật ngày: 30/09/2021 06:30:22

http://baodongthap.com.vn/database/video/20210930092951dcnaba.mp3

ĐTO - Nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.


Đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục hướng nghiệp cho các em học sinh (ảnh tư liệu). 
Ảnh: KHÁNH DUY

Công tác đào tạo nghề được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức

Những kết quả này là do trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh không ngừng nâng lên. Cùng với đó, hệ thống cơ sở dạy nghề được sắp xếp phù hợp trong công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và 8 đơn vị có tham gia vào giáo dục dạy nghề. Công tác đào tạo nghề được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức, nội dung chương trình dạy nghề được đổi mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Hệ thống trường cao đẳng trong tỉnh với 2 nghề tiếp cận cấp độ quốc tế, có 4 nghề tiếp cận cấp độ khu vực Asean.

Năm 2020, hệ thống trường nghề đã đào tạo hơn 106.700 lao động, đạt 100% kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. Công tác hỗ trợ, tổ chức tư vấn về việc làm được thực hiện đồng bộ. Trong năm 2020, tạo việc làm cho hơn 177.000 lao động, bằng 118% kế hoạch. Tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm đạt trên 80%, dạy nghề theo địa chỉ doanh nghiệp đạt 100%. Ngoài ra, Đồng Tháp còn tăng cường đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Số lao động tham gia chương trình tăng hơn 7,7 lần so với giai đoạn 2010-2015 dẫn đầu các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền bằng người thật, việc thật để phổ biến sâu rộng đến người dân địa phương, đặc biệt là các đối tượng sinh viên, bộ đội xuất ngũ, người mất việc sau dịch bệnh Covid-19... đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu và diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận của người dân và sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp nên thị trường lao động ở Đồng Tháp vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 15.132 lao động được giải quyết việc làm, đạt 50,44% kế hoạch; đưa 236 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (thị trường Nhật Bản 230 lao động, Đài Loan 6 người), số lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh là 1.333 người. Kết quả đạt được này là do tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động để đảm bảo an sinh xã hội, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế tại địa phương.


Đào tạo nghề nông thôn giúp người dân nâng cao thu nhập (ảnh tư liệu). 
Ảnh: MỸ NHÂN

Mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực

Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước; đảm bảo người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng làm việc, có nhu cầu tìm kiếm việc làm đều được tạo việc làm theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 19/8/2021 về Hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79% (đào tạo nghề đạt 57%) vào năm 2025. Cùng với đó, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên/năm (trong đó, phấn đấu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ 1.500 người trở lên/năm); tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 1%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,8%; phấn đấu giảm tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 1%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 40%. Đến năm 2025, có 100% học sinh THCS, THPT được giáo dục hướng nghiệp.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tỉnh cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của dạy nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vai trò quyết định đối với việc lập thân, lập nghiệp của người lao động nhằm thu hút ngày càng nhiều người tham gia học nghề.

Hướng đến sự phát triển thị trường lao động, các ngành, địa phương cần thường xuyên đưa công tác đào tạo nghề vào các chương trình, kế hoạch hành động hàng năm và thực hiện lồng ghép vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục – đào tạo; mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương; tạo cơ chế thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu, tiêu chí của doanh nghiệp, đào tạo nghề nghiệp cho nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài.

Mặt khác, phát triển cung - cầu lao động, trong đó cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù.


Doanh nghiệp quan tâm đào tạo chất lượng nguồn lao động (ảnh tư liệu). 
Ảnh: MỸ NHÂN

Ngoài ra, xây dựng, phát triển cơ sở hệ thống dữ liệu về thị trường cung - cầu lao động; thực hiện số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; kịp thời cung cấp các thông tin thiết yếu đến người dân trên địa bàn tỉnh về tình hình lao động việc làm, thu nhập, chính sách an sinh xã hội ở các doanh nghiệp tuyển dụng.

Đồng thời cần đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh theo hướng vừa là nơi thực hiện các giao dịch việc làm, vừa là nơi kết nối thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động; tổ chức tốt công tác tư vấn, định hướng, tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cho đối tượng này. Song song đó, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc xã hội, nhất là các vấn đề về quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa lao động với doanh nghiệp, tạo điều kiện để người dân có việc làm và thu nhập ổn định, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Chú trọng việc làm và thu nhập của dân cư nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

PHẠM NGỌC HÒA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn