Sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm

Cập nhật ngày: 02/02/2023 17:14:14

Thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, nhất là các hàng hóa nông sản đặc thù của tỉnh.


Nhãn hiệu nông sản giúp sản phẩm cạnh tranh trên thị trường

Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ

Năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN). Đây là chính sách đặc thù của tỉnh nhằm đẩy mạnh việc khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động KH&CN. Chính sách được đánh giá là cần thiết, được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy KH&CN phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đối với việc phát triển hoạt động SHTT, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp ban hành các kế hoạch phát triển hoạt động SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời đưa hoạt động SHTT trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc thù của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà toàn diện và bền vững.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-UBNDHC ngày 25/10/2022 về Quy chế phối hợp tạo lập, quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý trên địa bàn nhằm cụ thể các chính sách phát triển SHTT tại địa phương. Đồng thời tiếp tục thực hiện các kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT.

Tỉnh còn quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT. Năm qua, tỉnh xử lý 25 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với tổng số tiền phạt là 340,5 triệu đồng. Đồng thời tiếp nhận và phối hợp xử lý các vụ việc khiếu nại về xâm phạm quyền SHTT. Theo đó, việc giải quyết các đơn khiếu nại của các chủ sở hữu được tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định, các chủ sở hữu thống nhất với kết quả giải quyết đơn khiếu nại.

Đồng Tháp cũng luôn chú trọng thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục SHTT. Trong năm 2022, đã thực hiện hướng dẫn 55 lượt hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện đăng ký một số nhãn hiệu chứng nhận khác như: “Củ ấu Phong Hưng”; “Ổi lê Cao Lãnh”. Trong năm 2022, tỉnh có 296 đơn đăng ký tại Cục SHTT được công bố và có 194 văn bằng bảo hộ được cấp.

Song song đó, tỉnh còn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh Đồng Tháp quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư vào hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trong năm đã hỗ trợ 86 lượt tổ chức, cá nhân trong xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ (thiết kế và bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp trong và ngoài nước) với tổng kinh phí gần 432 triệu đồng.

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp tạo lập, quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật SHTT và tình hình thực tế của địa phương nhằm đảm bảo hoạt động tạo lập, quản lý và phát huy các thương hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) đối với nông sản chủ lực và đặc thù.

Năm qua, tỉnh đăng ký và được Bộ KH&CN phê duyệt 2 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia thực hiện trong năm 2022, trong đó có 1 nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)”.

Phát triển tài sản trí tuệ

Thực hiện Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ Tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN tham mưu ban hành các chính sách, kế hoạch nhằm cụ thể các nội dung phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Trên tinh thần đó, trong năm 2022, tỉnh tổ chức 10 lớp đào tạo, tập huấn trực tiếp về xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bao bì sản phẩm và phổ biến chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 cho 950 lượt tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, đã tổ chức tập huấn công tác quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài cho hơn 60 lượt cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Thông qua hoạt động tuyên truyền, tập huấn nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) trong quá trình sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân đã từng bước được nâng cao. Các tổ chức, cá nhân đã chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin cũng như chủ động thực thi quyền trước khi cần đến hoạt động thực thi của cơ quan quản lý nhà nước.

Công tác hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong hoạt động đăng ký xác lập quyền SHCN được thực hiện trực tiếp tại Sở KH&CN hoặc thông qua việc giới thiệu các đơn vị tư vấn có năng lực và tư cách pháp nhân làm đại diện SHCN để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kịp thời bảo hộ các tài sản trí tuệ của mình.

Tính đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh đã đăng ký xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 25 nông sản chủ lực, đặc thù. Hiện có 8/25 nhãn hiệu (chiếm 32%) có hoạt động cấp phép cho tổ chức/cá nhân sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm mang nhãn hiệu so với sản phẩm cùng loại.

Theo UBND tỉnh, nhìn chung, công tác hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương được thực hiện tốt và chuyên sâu, nổi bật là công tác tạo lập, quản lý và phát triển quyền SHCN đối với các đặc sản địa phương theo các chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã có những bước phát triển mạnh. Các chủ sở hữu nhãn hiệu đã chú trọng và quan tâm nhiều hơn đối với tài sản trí tuệ của mình, đặc biệt là trong hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh các chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển, vẫn còn nhiều chủ sở hữu chỉ dừng lại ở bước hoàn thành việc đăng ký bảo hộ, công tác quản lý sử dụng và phát triển nhãn hiệu còn hạn chế.

Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý về SHTT trong năm 2023 tại địa phương. Đồng thời hoàn thành dự án Đăng ký xác lập quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; triển khai đăng ký nhãn hiệu, 10 chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài (các thị trường tiềm năng) cho nông sản chủ lực, đặc thù của địa phương.  Mặt khác, tiếp tục thúc đẩy hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, phát huy vai trò của Sở KH&CN trong việc hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nắm được yêu cầu về hồ sơ và trình tự đăng ký; giới thiệu các đơn vị làm đại diện sở hữu công nghiệp có uy tín nhằm bảo vệ và phát huy giá trị tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn