Huyện Cao Lãnh

Tạo điều kiện để hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 10/09/2014 05:26:19

Hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện Cao Lãnh từng bước đi vào nề nếp và phát triển, chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.


Sản xuất chanh theo hướng GAP

3 năm qua, huyện vận động thành lập mới 10 HTX, đồng thời giải thể 4 HTX. Đến nay, toàn huyện có 26 HTX (20 HTX dịch vụ nông nghiệp, 3 HTX phi nông nghiệp, 3 quỹ tín dụng nhân dân) và 244 THT. Điểm nổi bật của những HTX nông nghiệp là đầu tư các trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ cho các thành viên, đồng thời bước đầu tổ chức cho nông dân tiến đến sản xuất nông sản theo hướng GAP. Ông Nguyễn Văn Hận, xã Bình Thạnh cho hay: “Bước đầu thực hiện trồng chanh theo hướng GAP đã mang lại những kết quả phấn khởi, chất lượng, năng suất tăng lên, hướng tới phục vụ nhu cầu người tiêu dùng sản phẩm sạch. Với giá chanh dao động từ 10.000 - 40.000 đồng/kg, hàng năm, trừ toàn bộ chi phí tôi có lãi khoảng một trăm triệu đồng”.

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tìm đầu ra cho nông sản cũng là định hướng của các HTX nhằm khẳng định thương hiệu nông sản của địa phương. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho xoài Cao Lãnh, xoài cát Chu Cao Lãnh; riêng sản phẩm chanh, cá điêu hồng đang lập thủ tục. Ông Trần Long Châu - Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương cho biết: “HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm tạo vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, HTX đã mở được 2 đại lý bán lẻ ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm còn được xuất ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật... thông qua một số công ty với giá cao hơn thị trường 3.000 - 5.000 đồng/kg. Theo kế hoạch, HTX tiếp tục mở các quầy bán lẻ tại một số điểm dừng chân xe khách để tạo đầu ra cho sản phẩm nhiều hơn”. Các HTX lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng góp phần vào việc tạo công ăn việc làm cho nhiều người tại địa phương, luôn chủ đồng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Dù có nhiều cố gắng nhưng vấn đề biến động thị trường, thiếu vốn đầu tư trang thiết bị cũng là những trở ngại cho HTX. Nhằm tạo điều kiện cho HTX, hàng năm huyện chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của kinh tế tập thể để tạo điều kiện và tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là trình độ quản lý của HTX còn hạn chế. Thực trạng dễ nhận thấy đối với các HTX hiện nay là lao động có tay nghề, chuyên môn làm việc cho HTX rất hạn chế bởi thu nhập của thành viên HTX khá thấp so với thu nhập của lao động trong các thành phần kinh tế khác.

Mặc dù còn nhiều thách thức đối với kinh tế tập thể nhưng địa phương luôn xem việc phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ quan trọng. Trong thời gian tới, huyện vận động thành lập mới HTX có đủ điều kiện theo luật HTX năm 2012, tăng cường củng cố các HTX yếu kém, đồng thời tiến tới giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả, không đúng luật. Theo định hướng, hàng năm, huyện phát triển mới 2 HTX và 20 THT.

Trên tinh thần sản xuất gắn liền với tiêu thụ, huyện sẽ tạo điều kiện để HTX liên kết với doanh nghiệp; tiến tới liên kết sản xuất nông nghiệp giữa HTX, THT với nhau và liên kết với các thành phần kinh tế khác để tạo đầu vào ổn định, đầu ra mang tính bền vững.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn