Tạo sức bật cho làng nghề dệt choàng Long Khánh A

Cập nhật ngày: 20/03/2015 13:56:13

Chủ động đổi mới sáng tạo, tìm đến những phương thức sản xuất mới, cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá phù hợp với xu hướng và thị hiếu của thị trường... là những bước tiến mới của làng nghề dệt choàng Long Khánh A (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) trong giai đoạn hiện nay.

Khách hàng thích thú với sản phẩm khăn choàng cổ của làng nghề dệt choàng Long Khánh A

Khó khăn chung của phần lớn làng nghề truyền thống hiện nay là đứng trước nguy cơ bị mai một khi lợi nhuận của ngành nghề không đủ sức hấp dẫn “níu chân” người lao động. Trong đó, những yếu tố chính dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn làng nghề gặp khó khăn trong việc đổi mới phương thức sản xuất, thiếu vốn đầu tư, việc tổ chức quy hoạch sản xuất còn nhỏ lẻ, không đủ sức cạnh tranh và công tác quảng bá còn hạn chế... Chính vì thế, để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, các làng nghề cần đủ lực để tạo được sự bứt phá, thoát khỏi lối mòn của tư duy sản xuất truyền thống.

Cùng chung tình hình như nhiều làng nghề truyền thống khác, những năm gần đây làng nghề dệt choàng Long Khánh A đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi số lượng khung dệt và thợ lành nghề bị “vơi” dần theo thời gian. Đứng trước những khó khăn và thách thức trên, làng nghề dệt choàng Long Khánh A tạo đột phá mang tính bước ngoặt vào cuối năm 2014 khi tung ra thị trường một loạt sản phẩm mới, được thị trường đón nhận và đánh giá cao.

Với chiến thuật lấy sở trường của mình làm ưu thế cạnh tranh, sản phẩm mới (khăn choàng cổ) của làng nghề có sự kế thừa, phát huy những ưu điểm và thế mạnh của sản phẩm khăn rằn truyền thống. Sản phẩm khăn choàng cổ được thiết kế tinh tế là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách vừa hiện đại và yếu tố truyền thống. Bên cạnh đó, khăn choàng cổ của làng nghề ra đời trong thời điểm toàn tỉnh đang huy động toàn lực để phát triển du lịch, đây là sản phẩm quà tặng được khách du lịch ưa chuộng khi đến thăm Đồng Tháp.

Chia sẻ về hướng đi mới của làng nghề, cô Nguyễn Thị Kim Chiều - chủ nhiệm làng nghề dệt choàng Long Khánh A chia sẻ: “Sản phẩm khăn choàng cổ được thiết kế trên nền tảng của sản phẩm khăn rằn truyền thống nổi tiếng của làng nghề. Tuy nhiên, kích cỡ, màu sắc và họa tiết ở khăn choàng cổ đa dạng và tinh tế hơn sản phẩm khăn rằn trước đây. Hiện tại, ngoài các mẫu sản phẩm cũ thì làng nghề có thêm trên 10 mẫu sảm phẩm mới. Mặc dù sản phẩm chỉ mới được tung ra vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, nhưng được thị trường đón nhận mạnh mẽ, nhất là đối tượng khách du lịch”. Sản phẩm có giá từ 45.000 đồng đến 60.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ.

Một trong những điểm đáng chú ý đối với sản phẩm mới của làng nghề là sự đầu tư về mẫu mã bao bì. Sau khi đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu tiểu cấp tỉnh năm 2014, làng nghề dệt choàng Long Khánh A, được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tư vấn và hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm. Từ sự thay đổi này, thương hiệu của làng nghề dệt choàng Long Khánh A như được “chắp thêm đôi cánh” bước ra sân chơi mới của những thị trường với nhiều tiềm năng hơn.

Tuy nhiên, để giúp cho làng nghề có đủ lực để cạnh tranh trong giai đoạn tới, cần có kế hoạch phát triển sâu rộng và dài hơi hơn. Ông Nguyễn Thành Dân - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hồng Ngự cho biết: “Hiện nay, sản phẩm của làng nghề không những được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM mà còn được tiêu thụ ở thị trường nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, hiện tại cả làng nghề chỉ còn khoảng 120 khung dệt của 50 hộ, giảm gần 50% so với những năm trước đây, khó khăn lớn nhất của làng nghề hiện nay là chưa có sự liên kết sản xuất giữa các hộ, do hiện tại mỗi gia đình sản xuất mỗi kiểu. Vì vậy, không tập trung được hàng hóa đồng nhất về chủng loại và số lượng. Do sản xuất theo kiểu đơn lẻ nên làng nghề không đủ khả năng ký kết những đơn đặt hàng lớn từ các đối tác. Do đó, huyện đang tiến hành xây dựng kế hoạch để nâng cấp làng nghề lên thành hợp tác xã (HTX) vào khoảng tháng 6 tới đây. Huyện dự kiến sau khi thành lập HTX sẽ thực hiện nhiều bước hỗ trợ cho làng nghề phát triển, trong đó sẽ ưu tiên hỗ trợ cho HTX xây dựng thương hiệu hàng hóa và có những chính sách vay vốn hỗ trợ xã viên mở rộng quy mô sản xuất”.

Mỹ Lý

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn