Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn điện

Cập nhật ngày: 13/05/2021 05:58:41

ĐTO - Ngày 22/5/2017, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định ban hành Đề án (ĐA) an toàn điện (ATĐ) tỉnh giai đoạn 2017- 2020. Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Đồng Tháp, các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện ĐA đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng điện an toàn; kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng điện không đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức và ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực điện lực.


Người dân lắp đặt tiếp địa khi sử dụng máy phun thuốc vườn cây ăn trái

Hàng năm, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị, bộ phận chuyên môn thuộc Sở phối hợp Phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng và điện lực địa phương tập huấn kiến thức ATĐ cho các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành trạm bơm điện, phối hợp Công ty Điện lực Đồng Tháp tập huấn, sát hạch kiến thức ATĐ cho công nhân của các đơn vị xây lắp, sửa chữa lưới điện trên địa bàn; lồng ghép kinh phí sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hỗ trợ xây dựng 7 mô hình trạm bơm điện an toàn; phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm tại các xã thí điểm mô hình kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới;...

Căn cứ vào kế hoạch thực hiện ĐA ATĐ của Sở Công Thương, hàng năm, Công ty Điện lực Đồng Tháp chủ động lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu của ĐA; tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể có liên quan vận động, tuyên truyền về an toàn - tiết kiệm - hiệu quả trong sử dụng điện, với tổng số tiền là 2,113 tỷ đồng, nhằm đảm bảo ATĐ theo quy định của ĐA. Ngoài ra, công ty còn chỉ đạo các điện lực huyện, thành phố phối hợp hướng dẫn các chủ xe cẩu, xe nâng, xe cuốc, phương tiện cơ giới khi thi công xây dựng gần các công trình lưới điện cao áp phải đảm bảo khoảng cách ATĐ theo quy định; không được phát triển điện kế cụm để cấp điện cho các hộ dân ở nông thôn...

Hàng năm, Sở Công Thương phối hợp Công ty Điện lực và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo phát triển điện theo tiêu chí điện nông thôn với tổng vốn thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 là 262,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngành điện 203,5 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18,7 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 39,1 tỷ đồng, vốn khác (vốn dân) 1,3 tỷ đồng. Qua đó, đã xóa được 825/1.000 điện kế cụm, cấp điện trực tiếp cho 35.990 hộ dân, trong đó có 1 điện kế tổng do doanh nghiệp tư nhân Quới Long quản lý với 210 hộ dân. Đến nay, có 117/117 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn. Số vụ sự cố lưới điện cao áp qua các năm được kéo giảm, đạt mục tiêu của ĐA (mục tiêu của ĐA là giảm 10% số vụ so với năm 2015 (138 vụ), tương ứng <= 125 vụ). Số vụ tai nạn điện trong các năm được kéo giảm, đạt mục tiêu của ĐA (mục tiêu của ĐA là giảm 10% số vụ so với năm 2015 (29 vụ), tương ứng <= 26 vụ). Ngoài ra, các ngành liên quan đã vận động 145.837/517.087 hộ dân lắp đặt ELCB, đạt 28,2%; vận động 552/1.910 số điện kế cấp điện cho hệ thống chiếu sáng đường quê lắp đặt thiết bị chống rò điện, đạt 28,9%; vận động 1.087/1.957 trạm bơm điện nông nghiệp lắp đặt tiếp địa an toàn, đạt 55,54 %.

Theo đánh giá, ĐA ATĐ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư cải tạo, phát triển điện góp phần cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố về điện và tai nạn điện; người dân được hưởng giá bán điện trực tiếp từ ngành điện. Tuy nhiên, một số mục tiêu không đạt theo ĐA như: việc xóa điện kế cụm, lắp đặt ELCB cho hộ gia đình, hệ thống chiếu sáng đường quê... Vốn đầu tư cho các địa phương vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ Trung ương, do đó ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong đầu tư cải tạo, phát triển điện; vốn đầu tư của ngành điện có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư cải tạo, phát triển điện để thực hiện hoàn thành mục tiêu theo ĐA...

Thực hiện ATĐ trong Nhân dân, từ nay đến năm 2022, Công ty Điện lực Đồng Tháp thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu số sự cố lưới điện 22kV, 110kV và tai nạn điện ít nhất từ 20% trở lên so với năm trước; xóa các điện kế cụm, lưới điện mất an toàn (548 điện kế), đảm bảo cấp điện an toàn liên tục; vận động khách hàng lắp đặt thiết bị chống giật (ELCB), tiếp đất an toàn vỏ mô-­­tơ điện, thực hiện các biện pháp đề phòng cháy nổ trong sử dụng điện.

UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện ATĐ trên địa bàn giai đoạn 2021- 2022. Theo đó, Công ty Điện lực Đồng Tháp chỉ đạo Điện lực các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm về sử dụng điện, ATĐ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố lưới điện, tai nạn điện; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời kết hợp kiểm tra nếu phát hiện có tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý vi phạm các quy định về sử dụng điện không đảm bảo an toàn, phải có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về các giải pháp sử dụng điện an toàn và yêu cầu khắc phục, cải tạo đường dây dẫn điện đảm bảo an toàn; rà soát và lập danh sách các hộ sử dụng điện không đảm bảo an toàn, phối hợp các phòng chuyên môn cấp huyện và chính quyền tiến hành lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Công ty cân đối nguồn vốn của ngành và tranh thủ các nguồn vốn tạm ứng của tỉnh thực hiện đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện hoàn thành xóa điện kế cụm, không để cho phát triển thêm điện kế cụm mới;...

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn