Tích tụ ruộng đất: Hướng đến một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Cập nhật ngày: 27/05/2015 13:25:13

Những năm gần đây, trong khi nhiều nông dân có xu hướng thờ ơ hoặc quay lưng với ruộng vườn thì đâu đó có những người không ngừng tích góp, mở rộng diện tích để đầu tư làm ăn lớn. Đây được coi là hệ quả tất yếu và là bước khởi động của quá trình tích tụ ruộng đất để chuyển từ làm ăn nhỏ, manh mún sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.


Anh Nguyễn Văn Khanh trên cánh đồng lúa của mình

Nông dân sản xuất lớn

Trên cánh đồng thuần nông xã Phú Cường (huyện Tam Nông), có người nông dân nhiều năm qua không quản ngại khó khăn, cần mẫn thu gom từng thửa ruộng, chắt chiu từng tấc đất, tạo một “cánh đồng mẫu” của gia đình để thỏa chí phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn ban đầu, hiện gia đình anh Nguyễn Văn Khanh ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông tích tụ được 120ha (tương đương 1.200 công) đất ruộng, phần lớn là từ việc thuê lại đất của anh em trong gia đình (do chuyển sang các ngành nghề kinh doanh khác).

Để tiện việc đầu tư thâm canh, vừa phát triển diện tích, anh Khanh vừa thương lượng với các hộ gia đình khác thực hiện chuyển nhượng đất không có nhu cầu sử dụng cho mình. Đồng thời, tổ chức quy hoạch, cải tạo và đầu tư mua sắm đầy đủ các loại máy móc, nông cụ như máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp... để phục vụ sản xuất. Với vốn đất của gia đình, bình quân mỗi năm 2 vụ sản xuất (lúa Nhật), gia đình anh thu được gần 840 tấn lúa, bán cho công ty với giá từ 6.500 – 6.900 đồng/kg (lúa ướt), tổng thu nhập làm ruộng mỗi năm hàng tỷ đồng.

“Ai cũng biết làm ruộng không lời nhiều. Tuy nhiên, nếu có diện tích sản xuất đủ lớn và biết đầu tư thâm canh thì vẫn có thu nhập khá. Dự định của tôi trong thời gian tới là sẽ đầu tư thêm lò sấy, kho chứa lúa để tiện cho việc bảo quản, phơi sấy cũng như góp phần tăng thêm thu nhập từ việc bán lúa khô” – anh Khanh tâm sự.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch xã Phú Cường hết sức tâm đắc với mô hình canh tác cũng như khả năng tổ chức sản xuất của anh Khanh. Ông Cường khẳng định: “Trong điều kiện hiện nay, những người dám nghĩ dám làm như anh Khanh ở địa phương chưa nhiều. Tuy nhiên, sự lựa chọn của anh Khanh là phù hợp với quy luật phát triển. Hiện nay, xã đang tạo mọi điều kiện để những nông dân có ý chí như anh Khanh có điều kiện tích tụ đất làm ăn lớn, góp phần thực hiện chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa của địa phương”.

Đẩy mạnh khắc phục cánh đồng manh mún

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, ở tỉnh ta đồng ruộng manh mún đang là bài toán khó để triển khai sản xuất quy mô lớn, giảm giá thành sản xuất. Bình quân chung mỗi hộ nông dân trong tỉnh thường chỉ có vài công ruộng và chia thành nhiều thửa, không tập trung. Việc gieo sạ và nhất là khâu làm đất đưa cơ giới hóa vào rất khó thực hiện.

Để khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, UBND tỉnh đã quyết dịnh hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân thuê đất mở rộng diện tích lên ít nhất 3ha. Bước đầu chỉ thực hiện thí điểm ở các Hợp tác xã (HTX) Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến. Có 29 hộ nông dân được xét duyệt hỗ trợ lãi suất thuê đất và san phẳng mặt ruộng bằng tia laze với diện tích 126ha, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng (hỗ trợ một lần cho 3 năm). 29 hộ này sở hữu hơn 45ha đất trồng lúa và thuê thêm của những hộ bên cạnh gần 80ha.

Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX Tân Cường cho biết, số hộ đã cho thuê đất ngay tại HTX này cũng rất nhiều vì diện tích nhỏ, hiệu quả kém. Sau vài vụ, tất cả hộ cho thuê đất đều có cuộc sống khá hơn vì họ đi làm công nhân hoặc buôn bán có thêm thu nhập. Chẳng hạn, hộ ông Nguyễn Văn Phướng có 0,5ha đất cho ông Trần Văn Hướng ở bên cạnh thuê để mở rộng diện tích lên 10ha. Ông Phướng và hai người con đi làm công nhân cách nhà vài cây số. Ông vừa có thu nhập 12 triệu đồng/năm từ việc cho thuê đất vừa có tiền lương đi làm nên cuộc sống khá hơn trước. Các hộ thuê đất trồng lúa cũng khẳng định có hiệu quả. Theo tính toán của các hộ này, nếu trừ tiền thuê đất mỗi năm 25-27 triệu đồng/ha thì tính riêng vụ đông xuân sản xuất khoảng 7-8 tấn/ha, trừ các khoản chi phí người thuê đất có thể thu được lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/ha...

Ngoài mô hình tích tụ ruộng đất của từng hộ nông dân, đã có những mô hình tích tụ ruộng đất theo kiểu làm ăn tập thể cũng cho hiệu quả rất tốt. Cụ thể, mô hình tích tụ ruộng đất tại HTX Đức Huệ (xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) đem lại lợi nhuận đáng kể cho HTX từ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đồng loạt trên diện tích 100ha, giúp giảm được giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Đồng thời tạo sự phấn khởi trong dân từ việc HTX giao khoán sản lượng 7 tấn/ha/vụ cho nông dân. Theo đó, nông dân chỉ cần giao cho HTX 1ha đất/năm là nhận về 21 tấn lúa. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân chỉ hoàn lại cho HTX 22 triệu đồng/vụ tiền chi phí đầu tư... Cũng với những cách làm này, hiện nay các vùng chuyên canh trồng lúa trên địa bàn tỉnh dần được hình thành và đang có xu hướng mở rộng.

Hướng tới một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, thông qua các mô hình tích tụ ruộng đất, nông dân có mối liên kết tốt hơn trong cộng đồng, từng bước hình thành những người nông dân mới biết gắn sản xuất với thị trường. Các HTX phát huy được hiệu quả, vật tư đầu vào được quản lý đảm bảo chất lượng, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn, tạo điều kiện để trở thành hàng hóa. Quan trọng nhất là hình thành được mối liên kết giữa “4 nhà”, trong đó có sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà quản lý các doanh nghiệp, vật tư đầu vào, giúp bà con nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho rằng, nếu bỏ qua yếu tố khó khăn trước mắt của người nông dân, thì đây chính là sự manh nha và cũng là tín hiệu vui đối với sự hình thành của quá trình tích tụ ruộng đất, hướng tới một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Như vậy, tích tụ ruộng đất là một xu hướng tất yếu. Chúng ta không thể phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, sức cạnh tranh cao nếu cứ tiếp tục giữ quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún và cũng không thể xây dựng được thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh cao, nếu mỗi địa phương, mỗi hộ nông dân tự sản, tự tiêu trên mảnh ruộng nhỏ bé của mình.

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh việc tích tụ ruộng đất chỉ là những bước manh nha, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Tuy nhiên, trong xu hướng này, vẫn có nhiều nông dân, HTX chủ động đi trước, tạo bước khởi động cho mô hình sản xuất quy mô lớn để xây dựng những vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm với số lượng lớn với giá thành hạ, năng suất tăng. Đây được xem là những mô hình mẫu đầu tiên khởi động cho quá trình sản xuất hàng hóa lớn, tập trung trên các cánh đồng mẫu. Để từng bước phát triển mô hình này, sắp tới ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn tại từng cánh đồng cụ thể và có hướng hỗ trợ riêng...

Mỹ Nhân

Theo ông Nguyễn Văn Công, hiện toàn tỉnh có 69% người ở khu vực nông thôn trong độ tuổi lao động. Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh là rút dần lực lượng lao động nông thôn sang các ngành nghề khác giúp tăng thu nhập, cải thiện dần cuộc sống. Cụ thể là đến năm 2020 giảm còn 50% và sau đó giảm còn 25%. Do vậy, để giải quyết việc làm cho số lao động này, Đồng Tháp đang thu hút đầu tư về nông thôn kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Những hộ ít đất sẽ cho thuê đất rồi đi làm công nhân hoặc thuê thêm đất để có điều kiện sản xuất lớn nhằm giảm tối đa chi phí, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập.

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn