Tổ hợp tác trồng nhãn IDO xã Tân Thuận Đông

Cập nhật ngày: 04/06/2012 10:21:00

Những năm trước đây, nông dân xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) chủ yếu trồng hoa màu và vườn tạp kém hiệu quả. Khi mô hình trồng nhãn IDO của ông Nguyễn Văn Năm (Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn IDO) thành công, nhiều hộ dân trong xã đã cải tạo vườn tạp sang trồng cây đặc sản có giá trị kinh tế cao này. Đến nay, toàn xã đã mở rộng được hàng chục hộ trồng và hiện có trên 30ha trồng nhãn IDO.


Vườn nhãn của ông Nguyễn Văn Năm

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2010 Tổ hợp tác trồng nhãn IDO thành lập, có 24 thành viên tham gia với diện tích 12,4ha. Nội dung hoạt động của Tổ nhằm hướng dẫn tổ viên về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, cách canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm, cho sản lượng cao, giúp nhà vườn giảm chi phí sản xuất, thu được lợi nhuận cao... Qua một năm hoạt động, bước đầu tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả đã tạo được lòng tin của nông dân bằng chính hiệu quả kinh tế và các hoạt động hỗ trợ cung cấp cây giống, kỹ thuật, tổ chức thu mua... góp phần đưa phong trào trồng nhãn ở địa phương phát triển.

Anh Nguyễn Văn Tài - thành viên tổ hợp tác, trước đây là hộ nghèo, từ khi chuyển sang trồng nhãn IDO, nay kinh tế gia đình anh đã khá lên. Từ 6 công nhãn ban đầu, sau khi trồng có hiệu quả, anh mướn và mua thêm đất mở rộng diện tích vườn nhãn gần 20.000m2. Với giá tại vườn ở mức 25.000 - 35.000đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu lãi trên 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Năm (Tổ trưởng THT trồng nhãn IDO) cho biết: Thuận lợi của Tổ hợp tác là diện tích các vườn nhãn liền kề nên dễ chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong khâu chăm sóc. Mỗi tháng, chúng tôi tổ chức họp thành viên một lần để trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nhau cách sử dụng phân bón, thuốc và thời điểm tưới để mang lại hiệu quả cao, hạn chế sâu bệnh...

Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã, thành lập tổ hợp tác là hướng đi đúng trong việc liên kết các hộ trồng nhãn nhỏ lẻ. Thông qua đó, nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật và cải thiện chất lượng sản phẩm nhãn theo hướng an toàn. Trên cơ sở hoạt động hiệu quả, đầu ra ổn định, tới đây địa phương sẽ vận động thêm nhiều người tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất để tạo vùng hàng hóa đặc trưng của xã...

Mai Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn