Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022

Cập nhật ngày: 26/02/2022 17:50:42

ĐTO - Ngày 25/2, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022.

Năm 2022, dự kiến sản lượng cá tra thương phẩm cả nước đạt 1,6 -1,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản (VASEP) dự báo giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20-25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Đối với những thị trường như Mỹ đang ở mức giá cao 3,95 USD/kg, Trung Quốc cũng tăng cao. Thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, chủ yếu ở 4 nhóm chính gồm Trung Quốc 31%, Mỹ 23%, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 13% và EU 6,6%,...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, ở ĐBSCL thị trường cá tra nguyên liệu báo hiệu hồi phục nhanh chóng. Cơ hội mới từ thị trường xuất khẩu năm 2022 đang mở ra. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng. Do đó, để ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt trong năm 2022, Tổng Cục Thủy sản và các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ cần có sự phối hợp với các địa phương, đánh giá đúng thực trạng, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn để phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả bền vững.

Kế hoạch năm 2022, tỉnh Đồng Tháp thả nuôi 2.200 ha diện tích cá tra (tăng 4,7% so với năm 2021) với sản lượng 495.000 tấn (tăng 1,8% so với năm 2021). Sản lượng cá tra bột 24.000 triệu con (tăng 28,3% so với năm 2021), sản lượng cá tra giống 1.750 triệu con (tăng 55,4% so với năm 2021).

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện Tái cơ cấu ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở nuôi, cơ sở sản xuất giống tối ưu hóa chuỗi sản phẩm, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành, đảm bảo phát triển sản xuất cá tra ổn định, duy trì nguồn cá tra bố mẹ chất lượng, gắn truy xuất được nguồn gốc, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, nâng cao chất lượng đối với sản phẩm nuôi.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn