TP Hồng Ngự

Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Cập nhật ngày: 14/04/2022 11:14:45

ĐTO - Trước tình hình người dân đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt, chính quyền TP Hồng Ngự thực hiện gắn biển cấm khai thác nguồn lợi thủy sản ở một số đoạn sông. Điều này, bước đầu nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.


Đoạn sông dọc theo tuyến kênh từ cầu Sở Thượng đến cầu Nguyễn Tất Thành có gắn biển cấm khai thác nguồn lợi thủy sản

Hiện nay, dọc theo tuyến kênh từ cầu Sở Thượng đến cầu Nguyễn Tất Thành, thuộc thủy phận 3 phường An Lạc, An Lộc và An Thạnh không khó để bắt gặp hình ảnh kè lưới B40 chống sạt lở bị các phương tiện khai thác thủy sản cào lên. Thực trạng này vừa gây nguy cơ sạt lở vừa gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho các hộ nuôi cá bè trên khu vực sông này.

Là một trong những người sống lâu năm tại tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, ông Bùi Thành Phương ngụ phường An Lộc, TP Hồng Ngự cho biết: “Những năm qua, việc người dân sử dụng cào điện để đánh bắt thủy sản xảy ra rất thường xuyên. Thậm chí, những ghe này còn cào sát khu vực gần bờ làm hư hỏng luôn hệ thống kè lưới B40. Vì vậy, khoảng 2 năm nay, lượng cá trên sông sụt giảm nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, tại đầu vàm sông Sở Thượng có một điểm bà con thường thả cá phóng sinh, tuy nhiên, một số người dân ở cuối vàm lại dùng xung điện để đánh bắt nguồn cá này theo kiểu tận diệt. Chính vì điều này, từ tháng 3/2022, UBND TP Hồng Ngự đã tiến hành gắn biển “Khu vực cấm khai thác nguồn lợi thủy sản” trên đoạn sông từ cầu Sở Thượng đến cầu Nguyễn Tất Thành, thuộc thủy phận các phường: An Lạc, An Lộc và An Thạnh. Theo đó, khu vực cấm khai thác thủy sản này dài khoảng 3km, diện tích mặt nước khoảng 50ha. Đây là vùng cửa sông có nhiều dòng chảy là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản.

Ông Đào Văn Hiếu ngụ phường An Lạc, TP Hồng Ngự chia sẻ: “Tôi thấy việc đánh bắt theo kiểu tận diệt đang làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, việc gắn biển cấm đánh bắt thủy sản là chủ trương đúng của chính quyền TP Hồng Ngự nhằm ngăn chặn suy giảm, tiến tới phục hồi nguồn lợi thủy sản”.

Ông Nguyễn Huấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự cho biết: “Việc thực hiện biển cấm nhằm không để người dân sử dụng ngư cụ có tính chất hủy diệt, sử dụng xung điện làm hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản. Riêng những người dân khai thác bằng ngư cụ hợp pháp, địa phương vẫn để bà con khai thác để sinh sống. Bên cạnh việc kiểm tra, ngành chức năng cũng thực hiện khuyến cáo người dân hạn chế khai thác vào những thời điểm thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thời gian tới, ngành chức năng TP Hồng Ngự sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt khi phát hiện người dân dùng các phương tiện đánh bắt có tính chất hủy diệt. Đây được xem là động thái tích cực của chính quyền và Nhân dân thành phố nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển ngành nghề ngư nghiệp một cách bền vững và có trách nhiệm”.

Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nêu rõ, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản mà không sử dụng tàu cá sẽ bị xử phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản cũng sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản sẽ bị xử phạt từ 15 - 40 triệu đồng. Hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3 - 6 tháng...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn