Từng bước định vị lại ngành hàng sen theo hướng phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 20/05/2022 09:14:38

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220520091756snenn.mp3

 

ĐTO - Sở hữu tiềm năng lớn, sen là 1 trong 6 ngành hàng được Đồng Tháp chọn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Để tiếp tục phát huy lợi thế của cây trồng này, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết về việc xây dựng hình ảnh địa phương, lấy cây sen làm biểu tượng, hình ảnh của tỉnh. Từ Nghị quyết đến hành động, tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích, phát triển ngành hàng sen, bước đầu mang lại những kết quả phấn khởi.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái) tham quan gian hàng sản phẩm OCOP, biểu tượng Bé sen của Đồng Tháp

Tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao giá trị cho ngành hàng sen

Cây sen gắn bó với người dân Việt Nam từ bao đời nay và ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người qua hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:

“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen,

Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”.

Hai câu thơ dường như bao quát hết về hình ảnh, con người Đồng Tháp. Đây còn là chất liệu quan trọng để tỉnh xây dựng hình ảnh địa phương với lợi thế sẵn có. Xác định sen là biểu tượng đặc trưng, Đồng Tháp ban hành Nghị quyết về xây dựng hình ảnh địa phương, chọn sen là 1 trong 6 ngành hàng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm 2017, tỉnh bắt đầu thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn khẩu hiệu (slogan) “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”; thiết lập bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu “Đất Sen hồng” qua hình ảnh “Bé Sen”; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”... Từ những chính sách này, hình ảnh của Đồng Tháp ngày càng được du khách biết đến và yêu mến.

Không những vậy, hiện nay, thông qua các sản phẩm OCOP được chế biến từ sen của tỉnh như: trà lá sen, trà tim sen, sữa sen, mứt sen, nón lá sen... tiếp tục là nhịp cầu nối, đưa hình ảnh sen Đồng Tháp đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hiện Đồng Tháp có 20 sản phẩm, hàng quà tặng từ sen đạt tiêu chuẩn 3 – 4 sao của Chương trình OCOP.

Bằng sự nhạy bén, sáng tạo, người dân còn khéo léo kết hợp sản xuất sen gắn với du lịch trải nghiệm. Hiện tại, mô hình phát triển du lịch sen ở huyện Tháp Mười (nơi có diện tích sen nhiều nhất tỉnh với 300ha), phát triển mạnh và lan tỏa ra hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thống kê trên địa bàn tỉnh có 9 điểm du lịch nông nghiệp sen. Theo đánh giá của bà con trồng sen, sự cộng hưởng từ 2 loại hình kinh tế này đem lại lợi nhuận cao gấp 2,3 lần so với trồng lúa.


Những cánh đồng sen bát ngát, mênh mông là nơi thu hút du khách khi đến với Đồng Tháp

Cần có một cơ chế đặc thù cho ngành hàng sen

Theo các chuyên gia, với những chính sách phù hợp cùng tinh thần nhạy bén, biết khai thác những giá trị từ sen đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là kinh tế sen đang dần được khẳng định.

TS. Ngô Thị Thu Trang - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM chia sẻ, điểm hay của Đồng Tháp là tỉnh đã khơi gợi được phong trào lập thân lập nghiệp, khởi nghiệp trong người dân, doanh nghiệp với các mô hình, ý tưởng khai thác, phát triển du lịch, khai thác giá trị gia tăng từ cây sen. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của ngành hàng đó là tính ổn định của ngành hàng sen chưa cao, phát triển với quy mô nhỏ, liên kết thiếu ổn định và chưa xây dựng chuỗi thống nhất từ trồng trọt, chế biến, xuất khẩu, dẫn đến việc chưa phát huy hết giá trị ngành hàng này. “Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ trước tiên, tỉnh cần có một cơ chế đặc thù cho ngành hàng, đồng thời đẩy mạnh liên kết tạo nguồn giống sen phù hợp. Bên cạnh đó, các chủ thể cùng ngồi lại thống nhất bài toán cung cầu, đặc biệt nhà quản lý phải đi tiên phong để tạo ra một chuỗi hoàn chỉnh và có thể thực hiện cho các ngành hàng còn lại”, TS. Ngô Thị Thu Trang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Kiều - chủ Cơ sở sữa sen Ba Tre (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) chia sẻ, qua thời gian khởi nghiệp, được sự quan tâm của các cấp, địa phương, hiện nay sản xuất của cơ sở dần ổn định, sản phẩm từng bước được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, hiện nay, điều mà doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm là tính ổn định của nguồn nguyên liệu. Cụ thể, mỗi ngày cơ sở sản xuất 1.300 chai sữa sen, nhưng vào một số thời điểm, nguồn nguyên liệu tại địa phương thiếu hụt, cơ sở phải thu mua thêm sen ngoài tỉnh làm tăng chi phí sản xuất. Đặc biệt vào thời điểm mùa nghịch, giá sen rất cao, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong định hướng liên kết thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn địa phương tính đến phương án rải vụ để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định.

Anh Ngô Chí Công – Giám đốc Công ty TNHH Ecolotus Việt Nam (TP Cao Lãnh) cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” của chuỗi giá trị sen là năng lực sơ chế, bảo quản và vận chuyển. Phần lớn, các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều được thực hiện thủ công, chưa có máy móc hỗ trợ nên chi phí cho các khâu này là rất lớn. Mặc dù một số trang thiết bị, máy móc phục vụ cho chế biến được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, tuy nhiên, vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng của ngành hàng. Chính vì vậy, rất cần có sự trợ lực từ Nhà nước để doanh nghiệp có động lực đầu tư nhằm phát huy tốt tiềm năng cho cây sen Đồng Tháp...


Nông dân trồng sen xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười phấn khởi vì sen được mùa

“Sen ngày mới” mang khát vọng Đồng Tháp vươn xa

Trước những khó khăn của chuỗi ngành hàng sen nói riêng và các ngành hàng khác, tỉnh cũng đang định hình từng bước tháo gỡ khó khăn cũng như có những bước đi phù hợp trong thời gian tới. Riêng đối với ngành hàng sen, việc tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I, năm 2022 (diễn ra từ ngày 19 - 21/5) cũng là một bước khởi đầu cho việc định hình, tái cấu trúc ngành hàng này.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, bên cạnh giá trị văn hóa, tinh thần, sen còn mang một giá trị kinh tế rất lớn. Xác định được tầm quan trọng này, thời gian qua, tỉnh ban hành Nghị quyết về việc xây dựng hình ảnh địa phương, lấy cây sen làm biểu tượng, hình ảnh của tỉnh; chọn sen là 1 trong 6 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với những chính sách hỗ trợ phát triển. Qua thời gian thực hiện, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những kết quả mang lại của ngành hàng là cơ sở để tỉnh nhìn nhận lại nhằm định hướng, cấu trúc ngành hàng theo chiều sâu.


Sản phẩm hạt sen sấy

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, với định hướng phát triển đa giá trị ngành hàng sen, tỉnh kỳ vọng, qua Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2022 chủ đề “Sen ngày mới” góp phần nâng tầm về tính văn hóa, truyền đi hình ảnh, thông điệp “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” đến bạn bè trong và ngoài nước. Đồng Tháp cũng kỳ vọng, thông qua Lễ hội Sen lần này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có sự kết nối, hợp tác thêm nhiều dự án nhằm phát triển, tạo chuỗi liên kết phát triển ngành hàng sen bền vững, nâng tầm cây sen tỉnh nhà trong thời gian tới.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển, cùng với hiệu quả kinh tế mang lại, những năm qua, diện tích và sản lượng cây sen Đồng Tháp không ngừng tăng lên. Hiện toàn tỉnh có 1.252ha, sản lượng 1.088 tấn, được trồng tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò. Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để bán gương, lấy ngó mà giờ đây còn được đa dạng hóa với những sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen, sữa sen... Đồng thời, sen còn gắn với các dịch vụ du lịch như ngắm cảnh đồng sen, ẩm thực từ sen mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị cây sen và trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng Đất Sen hồng.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn