Tái cơ cấu ngành công nghiệp:

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng và năng lượng tái tạo

Cập nhật ngày: 20/02/2022 11:39:38

ĐTO - Xác định phát triển công nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh… là mục tiêu tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được Tỉnh ủy nêu trong Kết luận số 248-KL/TU.


Chế biến thủy sản nằm trong nhóm ngành chủ lực của tỉnh

Qua 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sản xuất công nghiệp phát triển cơ bản ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, đi vào chiều sâu, nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng trưởng tốt.

Công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm 98,43% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp và đóng góp 12% tổng giá trị GRDP của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp được đầu tư phát triển, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp (DN) mở rộng, phát triển sản xuất. DN không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ nguyên liệu nông sản của địa phương.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, công tác tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp có lúc, có nơi chưa thường xuyên; tiềm lực hấp dẫn để thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; việc đầu tư, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; vốn đầu tư công bố trí cho lĩnh vực công nghiệp còn thấp...

Căn cứ vào tình hình phát triển công nghiệp giai đoạn qua, tại Kết luận số 248-KL/TU, Tỉnh ủy đề ra chiến lược về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

Về mục tiêu, xác định công nghiệp là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh; giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế, phát triển công nghiệp chế biến theo chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; phát triển công nghiệp chế biến rau củ quả, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo là mũi đột phá.

Các mục tiêu cụ thể gồm: đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp đạt ít nhất 20% trong GRDP của tỉnh; độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 9,8%/năm, trong đó công nghiệp chế biến đạt 9,5%/năm; tỷ lệ lao động ngành công nghiệp qua đào tạo đạt trên 80%, lao động đào tạo nghề đạt 60%; giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động mỗi năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp đạt 1,6 tỷ USD; phát triển ít nhất 1 khu công nghiệp quy mô lớn và 1 cụm công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của khu công nghiệp ít nhất 75% và cụm công nghiệp ít nhất 80%; khuyến khích DN đầu tư khoa học công nghệ vào công nghiệp chế biến (gạo, cá tra, rau củ và trái cây) đạt giá trị cao, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu mang thương hiệu Đồng Tháp.

Đến năm 2030, phấn đấu, duy trì giá trị sản xuất công nghiệp trong nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tỷ trọng ngành công nghiệp đạt ít nhất 25% trong GRDP của tỉnh, công nghiệp chế tạo đạt 10% phục vụ cho ngành nông sản chế biến, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; đầu tư, phát triển ngành công nghiệp mới, công nghệ cao; phát triển khu, cụm công nghiệp theo Đề án được phê duyệt; phát triển khu, cụm công nghiệp năng lượng tái tạo.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, một số giải pháp được tập trung thực hiện gồm: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, tăng hiệu suất lao động; phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu của tỉnh; triển khai thực hiện các dự án công nghiệp trọng tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp dược, công nghiệp kỹ thuật cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sớm đưa Khu công nghiệp Tân Kiều, Cụm công nghiệp Tân Lập vào hoạt động; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn