Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực

Cập nhật ngày: 13/11/2022 19:22:06

ĐTO - Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh vừa ban hành, hướng đến đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được gắn kết chặt chẽ theo mục tiêu, quan điểm, định hướng tái cơ cấu kinh tế của Quốc gia; tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cùng ra sức phối hợp thực hiện, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết Chính phủ đã đề ra cho cả nước và trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.


Thi công mở rộng đường ĐT.849 đoạn từ ĐT.848 đến QL80 - huyện Lấp Vò. 
Ảnh: Nhật Khánh

Theo đó, tỉnh hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; phát triển được nhiều sản phẩm chủ lực dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao có khả năng cạnh tranh quốc gia, quốc tế và chuyển biến thực chất, rõ nét về chất lượng tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của kinh tế.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân từ 7%/năm trở lên; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GRDP từ 35% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP đạt 26%; số lượng doanh nghiệp (DN) thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 7%/năm; tỷ trọng của khu vực khu vực DN đóng góp trong GRDP đạt 26% - 27%; có thêm 35 hợp tác xã thành lập mới; giải quyết việc làm cho lao động hằng năm ít nhất 30.000 lao động; số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng hằng năm ít nhất 1.500 lao động.

Đến năm 2025, toàn tỉnh có 5.300 DN thực tế đang hoạt động và có ít nhất 3.000 DN thành lập mới; nợ xấu trên địa bàn so với tổng dư nợ chiếm dưới 3%; giảm tối thiểu số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 từ 20% trở lên; giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 đạt 10%; lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 79%, trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 57%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 42%; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 100%; 100% diện tích vùng trồng tập trung được cấp mã số theo quy định.

Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập là giải pháp hàng đầu trong cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân. Chuyển đổi cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công, tăng tỷ trọng vốn đầu tư tư; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt khoảng 26% so với GRDP.

Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án thuộc phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bố trí vốn đầu tư công tập trung ưu tiên cho các dự án lớn đầu tư hạ tầng phục vụ kết nối vùng, liên vùng, có sức lan tỏa, đột phá, thu hút nguồn lực xã hội trên cơ sở vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP), tạo động lực phát triển thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và hạ tầng kinh tế số... Đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kiên quyết loại bỏ những dự án kéo dài chưa hiệu quả; kiểm soát các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật; chỉ quyết định đầu tư sau khi đã được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của từng cấp ngân sách.

Tỉnh cũng tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô dự án; lựa chọn những hạng mục thực sự thiết yếu tránh trùng lặp hạng mục, chồng lấn giữa các dự án và đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn triển khai thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình đầu tư công...

Các giải pháp nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực góp phần phát triển các loại thị trường; phát triển lực lượng DN; thúc đẩy kết nối giữa DN thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các đô thị lớn; cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để đảm bảo thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lại nền kinh tế được UBND tỉnh giao cụ thể từng sở, ngành, địa phương...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn