Xây dựng đô thị thông minh và chính quyền thân thiện
Cập nhật ngày: 28/07/2025 04:07:00

ĐTO - Với diện tích tự nhiên 73,33km² và dân số trên 137.000 người, phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) sở hữu thế mạnh nổi bật trong phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh doanh thương mại và dịch vụ. Sau sáp nhập, phường đang mạnh mẽ chuyển mình, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh với chính quyền năng động, thân thiện.

Quang cảnh phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) nhìn từ trên cao (Ảnh: Hoàng Trọng)
Phường Cao Lãnh được thành lập sau quá trình sáp nhập 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Phường 1, Phường 3, Phường 4, Phường 6, phường Hòa Thuận, xã Hòa An, xã Tân Thuận Tây, xã Tân Thuận Đông và xã Tịnh Thới.
NÂNG TẦM ĐÔ THỊ VÀ HIỆU QUẢ QUẢN LÝ
Việc sáp nhập đơn vị hành chính phường Cao Lãnh đã mở ra không gian mới, tạo động lực cho sự thay đổi tích cực về diện mạo đô thị. Trước khi sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều tuyến đường trọng điểm, khu dân cư, thương mại và dịch vụ được đầu tư mới, nâng cấp. Công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được thực hiện kịp thời, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền ngày càng năng động, hiệu lực và hiệu quả. Về chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng từng bước được chuẩn hóa, với hơn 97% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đảm bảo tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân đạt trên 95% đúng hạn và sớm hạn, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Giờ đây, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp phường Cao Lãnh nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý nhiệm vụ nhanh chóng, linh hoạt. Đội ngũ cán bộ, công chức của phường kế thừa kinh nghiệm, thích nghi với sự thay đổi, tiếp tục sáng tạo để tạo bước đột phá mới trong phát triển.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ phường Cao Lãnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã định hướng rõ nét về việc mở rộng không gian đô thị, xây dựng đô thị thông minh, phát triển thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng.
Từ đó, Đảng ủy phường Cao Lãnh xác định đến năm 2030, phát triển đô thị thông minh gắn liền với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, với nhiệm vụ đột phá là xây dựng hạ tầng số đồng bộ, toàn diện. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của phường. Song song đó, Đề án phát triển đô thị thông minh được xây dựng và triển khai chặt chẽ với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên các lĩnh vực, đảm bảo tính kết nối và hiệu quả đầu tư.
Trọng tâm của quá trình chuyển đổi số của phường Cao Lãnh là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó địa phương lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, phường phát triển hạ tầng số nhanh chóng và đi trước sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý đô thị, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường và các dịch vụ công.
Việc khai thác hiệu quả Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) sẽ hỗ trợ đắc lực trong giám sát, phân tích dữ liệu, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, từng bước hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) giám sát, phân tích dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp)
PHÁT HUY TIỀM NĂNG VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Trong thời gian tới, phường Cao Lãnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình “Làng thông minh”, đồng thời nghiên cứu và nhân rộng tại các khu vực có đủ điều kiện nhằm nâng cao đời sống người dân và tăng cường hiệu quả quản lý ở cơ sở.
Vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ thanh niên chuyển đổi số trên địa bàn phường Cao Lãnh được phát huy trong việc lan tỏa nhận thức, hướng dẫn người dân, tổ chức tham gia chuyển đổi số. Năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ sẽ được nâng cao trong toàn xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ. Mục tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển các mô hình kinh doanh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương.

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) phục vụ tốt nhu cầu của người dân đến giải quyết thủ tục hành chính
Phường Cao Lãnh chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa giản đơn sang nông nghiệp hiện đại, hướng đến phát triển đô thị thông minh, không gian xanh. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội, chuẩn bị các điều kiện tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng phường theo mô hình đô thị thông minh là rất cần thiết.
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của phường là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của phường trên tất cả các lĩnh vực. Ứng dụng IOC trên điện thoại di động, máy tính bảng sẽ hỗ trợ lãnh đạo phường dễ dàng giám sát, khai thác dữ liệu mọi lúc mọi nơi, từ đó đưa ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả. Đây là bước ngoặt quan trọng, làm cơ sở xây dựng phường phát triển thành đô thị thông minh trong nhiệm kỳ tới.

Đoàn viên, thanh niên phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) hướng dẫn người dân tham gia chuyển đổi số
Để xây dựng hoàn thiện đô thị thông minh, phường Cao Lãnh cần triển khai thêm nhiều giải pháp công nghệ thông minh khác. Cụ thể, quy hoạch và quản lý đô thị cần dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, viễn thông và trí tuệ nhân tạo (AI). Đối với quản lý hạ tầng, cần tối ưu hệ thống điện, chiếu sáng, nước, chăm sóc cây xanh, xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phường cần có giải pháp về giao thông thông minh, giáo dục thông minh và đặc biệt là phát triển nông nghiệp thông minh, phù hợp với tiềm năng vốn có của địa phương.
Phường Cao Lãnh quyết tâm phấn đấu vì mục tiêu chung xây dựng phường trở thành đô thị thông minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
DƯƠNG ÚT