Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật ngày: 20/06/2021 06:27:08

ĐTO - Để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy tính đa dạng sinh học thời gian qua, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch này nhằm tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn, đa dạng sinh học hệ sinh thái thủy vực, các vùng đất ngập nước, đa dạng sinh học trong nông nghiệp; bảo vệ môi trường sống của các loài sinh vật hiện hữu trên địa bàn tỉnh; cải thiện về chất lượng, số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo đảm không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng, cải thiện đáng kể tình trạng một số loài nguy cấp, quý, hiếm bị đe dọa tuyệt chủng.

Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy sự tham gia của cộng đồng bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; huy động được sự tham gia cao của người dân vùng đệm cùng đồng hành bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại các khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan trên địa bàn tỉnh...

UBND tỉnh đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, nội dung chủ yếu. Cụ thể, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trong cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh; bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm và các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, kiểm soát có hiệu quả loài ngoại lai xâm hại; bảo tồn nguồn gen; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Để thực hiện Kế hoạch, UBND tỉnh đưa ra những giải pháp như: giải pháp về cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học; giải pháp về kỹ thuật, khoa học công nghệ; giải pháp về kinh tế; giải pháp về tăng cường hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; giải pháp về lồng ghép bảo vệ môi trường với bảo tồn đa dạng sinh học và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; giải pháp về kiểm tra, giám sát.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch; tổ chức kiểm kê đa dạng sinh học, đất ngập nước và thực hiện chương trình giám sát loài nguy cấp, quý, hiếm để phục hồi, đặc biệt là loài mang tính biểu tượng của tỉnh như Sếu đầu đỏ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hạng mục có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp được duyệt trong kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển du lịch sinh thái đồng thời với xây dựng các mô hình du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn, khu di tích.

UBND huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học hàng năm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động, tích cực huy động nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện các nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, phát triển giao thông khác trên địa bàn...

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn