Giải pháp bảo vệ môi trường đảm bảo sức khỏe cộng đồng

Cập nhật ngày: 05/01/2019 16:15:59

ĐTO - Năm qua, tỉnh Đồng Tháp xuất hiện lũ tương đối lớn so với các năm trước. Ngoài các tác động tích cực như: đem lại nguồn thủy sản, phù sa, tạo dòng chảy rửa trôi các chất ô nhiễm tù đọng,... vấn đề xử lý môi trường sau lũ cũng cần hết sức lưu ý để tránh các nguy cơ phát sinh các dịch bệnh, cũng như tích tụ các chất thải, gây ô nhiễm tại các vùng trũng thấp. Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện một số biện pháp bảo vệ môi trường.

Đối với khu vực đô thị, khu tập trung dân cư cần chú ý thực hiện các biện pháp khơi thông cống rãnh, tránh để tình trạng nước, chất thải ứ đọng rất dễ phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường. Đối với khu vực nông thôn, người dân cần chú ý vệ sinh khu vực xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, dọn dẹp các vật dụng làm ứ đọng nước, vệ sinh các dụng cụ chứa nước,.. để hạn chế nguy cơ phát sinh các dịch bệnh.

Cộng đồng tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt phát sinh, nhất là các chất thải như xác động vật chết. Những nơi có điều kiện thu gom, vận chuyển về bãi rác xử lý, người dân cần tích cực phối hợp thu gom, lưu chứa chất thải đúng theo quy định.

Đối với các khu vực chưa thể thu gom, vận chuyển cần chú ý thu gom, tự xử lý bằng các biện pháp như: chôn lấp hợp vệ sinh (đào hố, chôn từng lớp rác, phủ lớp đất,...) tránh việc xả rác trực tiếp xuống kênh, rạch hoặc môi trường xung quanh vì rất dễ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và kéo theo các dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Trong chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh các chuồng, trại, thu gom, xử lý các chất thải đúng theo quy định, nhất là kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các công trình xử lý môi trường (như hố vệ sinh, hầm biogas,...).

Đối với các hộ nuôi thủy sản, cần chú ý kiểm tra các bờ đê, tăng cường cải tạo các ao lắng để xử lý nước thải (bố trí các loại thực vật thủy sinh như lục bình với mật độ phù hợp), thường xuyên thu gom xác cá chết, vệ sinh, tiêu độc khử trùng các khu vực hố chứa xác cá chết,...

Ngoài ra, cần chú ý thường xuyên vệ sinh cá nhân, sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh, tránh sử dụng các nguồn nước ô nhiễm, nhất là ở khu vực nông thôn đang là mùa xuống giống, nước từ đồng ruộng kéo theo nhiều chất ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Do đó, đối với các hộ sử dụng nước sông để sinh hoạt cần phải xử lý bằng các biện pháp như lóng phèn, đun sôi nước trước khi sử dụng,... để phòng, tránh các bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh ngoài da,...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn