Hợp tác xã nông nghiệp tìm hướng đi mới trong sản xuất

Cập nhật ngày: 17/11/2022 13:12:02

ĐTO - Thời gian qua, một số hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh chủ động trong việc tìm hướng đi mới, xây dựng nhiều mô hình độc đáo đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng hiện đại. Qua đó, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng cường ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, giảm giá thành vào trong sản xuất và được người dân tích cực hưởng ứng.


Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) áp dụng hệ thống cảm biến nước trên đồng ruộng điều khiển bằng điện thoại thông minh. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 180 HTXNN. Trong đó, số hợp tác xã (HTX) đang hoạt động là 178 HTX, 2 HTX đang làm thủ tục giải thể. Đến nay, có 30 HTXNN được thành lập từ 31 mô hình Hội quán. Tổng số 178/180 HTX có 29.178 thành viên, bình quân 164 thành viên/HTX.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 43 HTX lúa, 10 HTX cây ăn trái (trong đó có 8 HTX có mã vùng trồng) liên kết với trên 50 công ty, doanh nghiệp, siêu thị nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân, với diện tích bình quân hàng vụ khoảng 30.000ha. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng đều có hỗ trợ đầu vào với nhiều hình thức khác nhau như: vốn, vật tư hoặc giống và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nên nông dân an tâm sản xuất.

Thời gian qua, nhằm thích nghi với tình hình sản xuất mới, các HTXNN trên địa bàn tỉnh mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, xây dựng những mô hình hay, thiết thực áp dụng vào canh tác. Là HTXNN quy mô toàn xã, diện tích phục vụ sản xuất là 712ha, HTXNN Tân Bình, huyện Thanh Bình thực hiện các dịch vụ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mô hình nhà lưới ươm cây giống (cà chua, cây ớt), đưa công nghệ tưới nhỏ giọt phục vụ tưới tiêu. Mô hình này được thực hiện trên diện tích 1.000m2 nhà kính của HTX, ươm cây giống chất lượng cao cung cấp cho các địa phương trong tỉnh. Đây là mô hình sản xuất cây giống hoa màu tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long được nông dân đánh giá cao thời gian qua, thực hiện sấy ớt bằng nhà sấy sử dụng năng lượng mặt trời.

HTX còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào cho thành viên với giá rẻ hơn thị trường bên ngoài. Ngoài ra, HTX xây dựng kho 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy, phát triển thêm dịch vụ tạm trữ, sấy lúa cho thành viên...

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò hoạt động với 13 dịch vụ phục vụ trực tiếp cho hộ thành viên hoạt động ổn định. HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa, chiếm 80% trên tổng diện tích. Nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn được đơn vị áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả bệnh, dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thêm thu nhập. Về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên được đơn vị quan tâm. Tất cả các diện tích của HTX đều được tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên HTX.

Điểm nhấn của HTX Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông là thực hiện Dự án sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay. Thời gian qua, HTX liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm thực hiện thí điểm sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 5,7ha. Sau thời gian canh tác, hiệu quả mang lại rất tốt, năng suất đạt 6,2 tấn/ha (cao hơn ruộng ngoài mô hình 0,2 tấn/ha), giá thành sản xuất 3.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt gần 15,5 triệu đồng/ha. Với những tín hiệu tích cực đó, mô hình này tiếp tục được nhân rộng trong những mùa vụ sau.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) được xem là đơn vị điển hình trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với mô hình “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm”. Mô hình mang lại kết quả tích cực, lợi nhuận ước đạt 12,3 triệu đồng/ha, cao hơn 8,1 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Nhằm thích nghi với tình hình sản xuất mới, HTX xoài Mỹ Xương, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh thực hiện mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã bán được hơn 25 cây xoài với doanh thu ước tính gần 175 triệu đồng, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, HTX, quảng bá ngành hàng xoài của địa phương...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn