Toàn tỉnh đã xuống giống hơn 57 ngàn ha lúa đông xuân

Cập nhật ngày: 31/10/2022 06:08:44

ĐTO - Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống hơn 57.000/191.500ha lúa đông xuân 2022-2023, tập trung ở các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng, Cao Lãnh, Thanh Bình. Các trà lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Nông dân đang lo lắng do tình hình mưa lớn kết hợp với đợt triều cường dâng cao gây ngập úng ảnh hưởng diện tích lúa.


Ngành chức năng khuyến cáo nông dân thực hiện tốt khâu làm đất trước khi xuống giống vụ đông xuân 2022-2023

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, qua kiểm tra đồng ruộng, dự báo, trong tuần này, rầy nâu tuổi 4 - 5, phát triển và gây hại phổ biến ở mức nhẹ đến trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - trỗ chín; sâu cuốn lá gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn trỗ chín, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun thuốc trừ sâu sớm có thể bị hại nặng. Trong khi đó, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, lem lép hạt có diện tích, mức nhiễm có thể gia tăng do thời tiết và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh, gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình, cục bộ có diện tích nhiễm nặng ở các ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, sử dụng giống nhiễm như: Jasmine 85, VD 20, OM 4900, IR 50404, nếp... Ngoài ra, các đối tượng khác như: chuột, sâu đục thân, bệnh vàng lá chín sớm... có thể xuất hiện, gây hại phổ biến ở mức nhẹ.

Để đảm bảo sản xuất cho nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, những diện tích lúa đã thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, xới trục nhận rơm rạ, đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu 3 tuần nhằm cắt đứt nguồn sâu bệnh lưu tồn cho vụ sau, cải thiện độ màu mỡ của đất. Các khu vực chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2022 - 2023 cần theo dõi chặt chẽ tình hình triều cường, rầy vào đèn, xuống giống tập trung, “né rầy” và chủ động phương tiện, điều kiện thoát nước tốt, hạn chế ảnh hưởng đến lượng giống gieo sạ nếu gặp mưa nhiều. Nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 50 - 100% DAP + 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý, sử dụng chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn.

Ngoài ra, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá... để có biện pháp quản lý và chăm sóc kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa.

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn