Nhiều khó khăn trong vụ lúa hè thu 2017

Cập nhật ngày: 08/05/2017 09:47:31

ĐTO - Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại lúa vụ hè thu (HT) 2017 trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh đã kiểm tra đồng ruộng, đồng thời khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ.


Để quản lý tốt sâu bệnh, nông dân phải tích cực thăm đồng thường xuyên

Theo Chi cục TT&BVTV, hiện toàn tỉnh đã xuống giống hơn 170.000ha, đạt 92,5% diện tích kế hoạch. So với các vụ sản xuất trước, vụ HT năm nay do ảnh hưởng của tình hình thời tiết khắc nghiệt nên việc phát triển của cây lúa gặp nhiều bất lợi. Đáng chú ý là từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các đợt nắng nóng kéo dài liên tục đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhiều diện tích lúa HT gieo sạ sớm đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại.

Qua kiểm tra đồng ruộng, ngành nông nghiệp phát hiện rầy di trú với mật số thấp, cao điểm đêm 27/4 - 2/5/2017 tại các bẫy đèn xã Phú Cường (huyện Tam Nông), xã Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh), xã Đốc Binh Kiều, Trường Xuân (huyện Tháp Mười) với mật số rầy từ 4.300 - 22.000 con/bẫy/đêm. Ngoài ra, số diện tích nhiễm rầy nâu khoảng 2.700ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, trong đó nhiễm nặng 52ha (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò) với mật số rầy hơn 3.000 - 4.000 con/m2.

Ngoài các đối tượng gây hại này, do thời tiết nắng mưa xen kẽ còn xuất hiện thêm bệnh đạo ôn lá với số diện tích nhiễm hơn 3.000ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ...

Đối với một phần diện tích lúa HT chưa xuống giống, theo Chi cục TT&BVTV, nông dân nên chú ý khâu làm đất, vì đất được chuẩn bị sau khi thu hoạch vụ đông xuân phải cày, xới và nên có thời gian cách li giữa vụ (10-15 ngày) nhằm hoai mục rơm rạ và giảm ngộ độc hữu cơ cho lúa, có thể sử dụng thêm loại thuốc Trichoderma để rơm rạ mau hoai mục. Kết hợp với biện pháp trên, nông dân nên tiến hành dọn sạch cỏ dại, gốc rạ, vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột và ốc bươu vàng gây hại.

Với các diện tích lúa đang phát triển, nhằm hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và nông dân cần tập trung chủ động nước cho lúa; tổ chức chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; cần thường xuyên thăm đồng, nắm rõ diễn biến rầy nâu và các loài dịch hại khác trên ruộng lúa để có những biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, nông dân nên kiểm tra kỹ mật số rầy trên ruộng, nhất là lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trỗ; nếu mật số rầy cao hơn 3 con/tép xử lý bằng thuốc trừ rầy chống lột xác; nếu mật số rầy cao với nhiều lứa gối nhau thì có thể phối hợp thuốc chống lột xác với thuốc có tác động lưu dẫn để tăng hiệu quả phòng trừ. Chi cục TT&BVTV cũng khuyến cáo không phối hợp quá nhiều loại thuốc/lần phun, tuân thủ các nguyên tắc khi phun thuốc để bảo đảm hiệu quả xử lý rầy, hạn chế phun lặp lại nhiều lần, gây nguy cơ cháy rầy.

Đối với bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, nông dân cần xử lý tốt rầy trên ruộng, chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho ruộng lúa nhằm tăng sức chống chịu với bệnh. Đặc biệt, những diện tích bị nhiễm bệnh nặng không có khả năng phục hồi nên tiêu hủy, cày ải phơi đất, nhằm cắt đứt nguồn bệnh lưu tồn trên ruộng, hạn chế sự lây lan cho các trà lúa sau.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn