Huyện Lai Vung

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết, an toàn

Cập nhật ngày: 18/10/2022 05:50:23

ĐTO - Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lai Vung triển khai thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết, an toàn, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận, giữ vững thương hiệu Quýt hồng Lai Vung.


Nông dân huyện Lai Vung tập trung cải tạo vườn quýt hồng theo yêu cầu của Đề án bảo tồn vườn quýt hồng

Theo UBND huyện Lai Vung, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nông dân từng bước chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hoa màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn. Giai đoạn 2019 - 2021, toàn huyện có 528ha được nông dân chuyển từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác. Nhìn chung, trong điều kiện giá cả nông sản ổn định, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái cho lợi nhuận cao hơn từ 1,3 - 3 lần.

Trong năm 2022, trước tác động của việc giá phân bón tăng đột biến, ngành nông nghiệp huyện đã hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân đơn thay cho phân hỗn hợp, canh tác lúa theo mô hình 1 phải 5 giảm (cung cấp tài liệu để các xã, thị trấn phổ biến cho nông dân). Việc sử dụng phân đơn sẽ giúp giảm chi phí phân bón khoảng 2 triệu đồng/ha.

Riêng đối với Đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, năm 2022 có 75 hộ tham gia, diện tích 36/200ha, đạt 18,3% (trồng lại 6,84ha, khắc phục dịch bệnh 29,78ha). Thực hiện đề án giai đoạn 2021- 2022, toàn huyện có 171 hộ tham gia, diện tích thực hiện là 99/546ha, đạt 18,2% (trồng lại 19,82ha, khắc phục dịch bệnh 79,64ha). Trong đó, đa số các nhà vườn có áp dụng các quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo; nhà vườn đã tăng cường sử dụng phân hữu cơ trong canh tác; diện tích tham gia khắc phục dịch bệnh cây phục hồi và phát triển tốt; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên (trái cây bảo quản được lâu hơn so với trước đây); sản lượng năm nay tăng 130% so với năm trước liền kề...

Thời gian tới, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển nông nghiệp bền vững gắn xây dựng nông thôn mới; quan tâm hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP hiện có và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới; tiếp tục hỗ trợ tốt hơn cho các hợp tác xã để hoạt động ngày càng hiệu quả. Đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện tốt Đề án khôi phục quýt hồng; phấn đấu, đổi mới và khai thác tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế của huyện, nhất là tiềm năng phát triển ngành hoa kiểng, chăn nuôi; mời gọi nhà đầu tư về tìm hiểu cơ hội và đầu tư phát triển công nghiệp chế biến để góp phần tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản của huyện...

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn