Sụp, lún bờ kè đường Lê Duẩn:

Bốn đơn vị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sự cố công trình

Cập nhật ngày: 09/04/2014 06:26:11

Bờ kè và hoa viên đường Lê Duẩn thuộc phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh (TPCL) có chiều dài gần 500m với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng được khởi công vào năm 2010 nhằm góp phần tạo nên cảnh quan của một đô thị trẻ. Tuy nhiên, công trình bờ kè chưa hoàn thành thì liên tục xảy ra sự cố như: mặt kè bị lún sụt trên diện rộng, phần lan can bờ kè cũng xuất hiện nhiều vết nứt dù đây là phần được đổ bê tông kiên cố, có đoạn đang thi công dở dang do sự cố sụp lún...


Một đoạn bờ kè đường Lê Duẩn bị sụp, lún

Theo Sở Xây dựng tỉnh, nguyên nhân gây sự cố công trình gồm nguyên nhân chủ quan (chiếm 60%) và nguyên nhân khách quan (chiếm 40%). Nguyên nhân chủ quan là hồ sơ thiết kế công trình có hệ số ổn định nhỏ hơn hệ số ổn định cho phép; giải pháp kết cấu của tuyến công trình không hợp lý (gần như toàn bộ máy và đỉnh kè của công trình nằm trên nền đất đắp nhưng vật liệu đắp không rõ ràng, không quy định hệ số đầm nén); trình tự biện pháp thi công, thiết bị thi công không rõ ràng. Về chất lượng thi công, trong quá trình thi công, đất đắp mái và đỉnh kè không tuân thủ quy trình, quy phạm (không lu lèn, không đầm nén); chất lượng bê tông dầm tường đỉnh kè và bê tông mái kè đổ trực tiếp không đảm bảo mác thiết kế.

Còn nguyên nhân khách quan là do cao độ hiện trạng lòng sông thấp hơn so với giai đoạn thiết kế (năm 2006) trung bình khoảng 0,6m, có đoạn lên đến 1,0m. Sự thay đổi địa hình lòng sông như trên dẫn đến hệ số ổn định tổng thể công trình giảm xuống so với hồ sơ thiết kế ban đầu. Đáng chú ý là sự thay đổi địa hình lòng sông do tác động của các yếu tố như: việc xây dựng các công trình phía bờ bên kia sông, các trại cưa neo gỗ dưới lòng sông làm thay đổi dòng chảy, tác động của tàu bè chạy trên sông...

Cũng theo Sở Xây dựng, qua phân tích nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị (mức độ lỗi gây ra sự cố công trình và trách nhiệm bồi thường do nguyên nhân chủ quan) đối với chủ đầu tư UBND TPCL (kể cả Ban Quản lý dự án TPCL) chịu trách nhiệm bồi thường 17,5%; đơn vị thiết kế là Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Đại học Thủy Lợi chi nhánh miền Trung chịu trách nhiệm bồi thường 22%; đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Đồng Tháp chịu trách nhiệm bồi thường 16,5%; đơn vị thẩm tra là Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình (thuộc Sở Xây dựng) chịu trách nhiệm bồi thường 4%.

UBND tỉnh yêu cầu UBND TPCL tổ chức lập thủ tục khắc phục hậu quả sự cố công trình, trong đó có xác lập hồ sơ pháp lý giá trị thiệt hại công trình. Sau khi hoàn thành hồ sơ pháp lý giá trị thiệt hại công trình, UBND TPCL phải thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan để yêu cầu thực hiện bồi thường cũng như chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện. Ngoài ra, UBND TPCL phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan thuộc thẩm quyền quản lý (kể cả Ban Quản lý dự án TPCL) và quy trách nhiệm cá nhân bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với phần lỗi thuộc chủ đầu tư.

Ngọc Tâm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn