Các trường hợp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Cập nhật ngày: 18/04/2022 14:48:41

ĐTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).

Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Pháp lệnh quy định chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (sau đây gọi là người bị đề nghị) khi thuộc một trong các trường hợp: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện (theo khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy).

Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị. Đồng thời bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của người bị đề nghị; bảo đảm quyền của người bị đề nghị được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp.

Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến và tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn. Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị hỗ trợ người bị đề nghị. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị có quyền khiếu nại quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị thì có quyền kiến nghị, giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đề nghị thì có quyền kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật...

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn