Mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại

Cập nhật ngày: 27/03/2013 14:59:27

Theo đề án "Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại" vừa được Thủ tướng phê duyệt, sẽ mở rộng việc thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Việc xác định địa phương thực hiện mở rộng thí điểm phải dựa trên các yêu cầu, tiêu chí sau: Đảm bảo tính đại diện cho các vùng, miền trong cả nước, theo đó địa bàn mở rộng thí điểm phải có các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các vùng, miền khác nhau (miền Bắc, miền Trung, miền Nam); các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khá ổn định; số lượng vụ việc thụ lý của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự lớn và dựa trên nhu cầu của người dân, xã hội trong việc thực hiện Thừa phát lại; sự quyết tâm, sẵn sàng của các cơ quan, tổ chức tại địa phương thí điểm.

Theo đề án, vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP HCM; duy trì hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập và thành lập thêm một số Văn phòng Thừa phát lại tại TP HCM.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Tư pháp quyết định lựa chọn địa phương thực hiện thí điểm sau khi thống nhất ý kiến với TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tài chính.

Theo Quyết định, Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP HCM, đồng thời rà soát, nghiên cứu, nếu cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung các Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành việc thí điểm chế định Thừa phát lại.

UBND cấp tỉnh nơi thực hiện thí điểm ban hành các văn bản theo thẩm quyền tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai tổ chức thực hiện thành công thí điểm Thừa phát lại.

Quý I và II/2013 sẽ tiến hành tập huấn, bổ nhiệm Thừa phát lại; thành lập, đăng ký hoạt động cho các Văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương thực hiện thí điểm chế định này.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật liên quan.

Theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP, công việc Thừa phát lại được làm:

- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự;

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự;

- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự (trừ các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án).

Theo chinhphu.vn



< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn