Mua gạo thiếu của tiểu thương đem bán để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Cập nhật ngày: 28/05/2022 06:19:31

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220528062010dt3-1.mp3

 

ĐTO - Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hàn Thị Thu Hiền (SN 1972, ngụ Phường 21, Quận Bình Thạnh, TP HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì vắng mặt nhiều người có liên quan. Theo hồ sơ vụ việc, Hàn Thị Thu Hiền từ TP HCM đến tỉnh Đồng Tháp để mua gạo của các tiểu thương trên địa bàn TP Sa Đéc và huyện Lai Vung rồi vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc để bán lại. Sau thời gian mua bán gạo, Hiền nhận thấy việc mua bán dễ dàng, nhưng để thu mua gạo với số lượng lớn thì phải thành lập công ty. Từ đó, Hiền thuê kho rồi làm thủ tục đăng ký thành lập công ty để các tiểu thương tin tưởng vào khả năng tài chính của mình.


Gạo của tiểu thương trên địa bàn huyện Lai Vung được tập kết để bán cho Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Yên Thắng Đồng Tháp

Cụ thể: Hiền đứng ra thành lập Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Yên Thắng Đồng Tháp (viết tắt là Công ty) và được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 12/10/2017 với nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có buôn bán gạo, vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Liên quan đến việc thành lập Công ty, anh Vũ Tuấn Hoàng (con ruột của Hiền) góp 8 tỷ đồng và ông Hàn Trúc Long (chú ruột của Hiền) góp 2 tỷ đồng. Công ty tọa lạc ấp Thạnh Phú, xã Tân Bình, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), nhưng thực chất Hiền biết rõ Hoàng và ông Long không có góp vốn, chỉ là vốn ảo. Trong quá trình mua gạo, Hiền nói dối đã mua kho với giá 28 tỷ đồng (thực tế Hiền chỉ thuê kho) để người bán tin tưởng giao gạo trước và nhận tiền sau.

Quá trình thành lập Công ty, Hiền không trực tiếp đứng tên giám đốc Công ty - đại diện pháp nhân mà nhờ ông Hàn Trúc Long đứng tên giám đốc thay cho Hiền. Tuy nhiên, công việc của ông Long là được Hiền thuê làm quản lý kho theo dõi nhập gạo mua vào và xuất bán ra của Công ty với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hiền còn thuê thêm Lê Thị Lệ Hiền (vợ của ông Long) làm thủ quỹ, nấu cơm với mức lương 5 triệu đồng/tháng, Phan Văn Triệu làm kỹ thuật máy, Trần Quốc Hưng làm nhiệm vụ kiểm tra gạo mua vào và xuất kho, Kiểu Minh Quang làm pháp chế, Trần Đức Sơn làm quản lý, Huỳnh Trung Thu làm kế toán. Sau khi Huỳnh Trung Thu nghỉ việc, Hiền thuê Phan Minh Thuận làm kế toán. Còn Hiền trực tiếp điều hành tất cả mọi hoạt động kinh doanh của Công ty, quyết định việc mua bán gạo và thanh toán tiền cho khách hàng.

Quá trình hoạt động kinh doanh, Hiền có trực tiếp đến Công ty vài lần để điều hành mua bán gạo, sau đó, Hiền không có mặt tại Công ty để điều hành mà điều hành thông qua điện thoại di động. Thời gian đầu, Hiền giao cho Phan Văn Triệu đứng ra mua gạo bằng tiền mặt, thời gian sau, Hiền giao cho Lệ Hiền đứng ra mua gạo và khi mua phải báo cho Hiền biết. Lệ Hiền mua gạo bằng tiền mặt được một thời gian thì Hiền yêu cầu Lệ Hiền mua gạo nợ (thiếu) của nhiều tiểu thương trên địa bàn TP Sa Đéc và huyện Lai Vung. Khi mua gạo nợ, Lệ Hiền phải ghi số lượng gạo và giá tiền trên “Phiếu mua hàng” của Công ty và báo cáo cho Hiền biết.

Lúc mua gạo nợ, Hiền và Lệ Hiền có hứa hẹn trong thời gian từ 3 - 10 ngày sau sẽ thanh toán đủ tiền, đồng thời mua gạo với giá cao hơn giá bình quân của thị trường từ 50 - 200 đồng/kg. Vì thế, nhiều người tin tưởng vào năng lực tài chính của Công ty và đem gạo đến bán cho Hiền, Lệ Hiền hoặc thông qua “cò gạo”. Tuy nhiên, sau khi mua gạo, Hiền chi trả cho mỗi khách hàng một số tiền nhất định, số tiền còn lại không thanh toán, thậm chí có trường hợp không thanh toán tiền cho người bán gạo. Toàn bộ số gạo mua được, Hiền thuê ô tô tải vận chuyển đem bán cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh như: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa... Sau khi bán gạo, các bên mua đã thanh toán đủ tiền cho Hiền, nhưng Hiền không trả tiền mua gạo cho nhiều người bán trước đó, đồng thời bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh và nơi cư trú, thay đổi số điện thoại để trốn tránh trách nhiệm. Ngoài ra, Hiền còn có hành vi chiếm đoạt tiền tạm ứng của một số người khác thông qua việc mua gạo, cám của Công ty.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đồng Tháp đã nhiều lần gửi giấy mời và thông báo truy tìm Hàn Thị Thu Hiền trên các phương tiện truyền thông nhưng Hiền không đến Cơ quan CSĐT để làm việc. Vì thế, ngày 9/9/2019, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Hàn Thị Thu Hiền về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 18/10/2019, Cơ quan CSĐT bắt được bị can Hàn Thị Thu Hiền khi đang lẩn trốn ở TP Hà Nội.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT chứng minh được bị can Hiền đã có ý thức chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu (từ khi thành lập Công ty như đã nêu trên), nên Cơ quan CSĐT đã ra quyết định thay đổi tội danh đối với bị can Hàn Thị Thu Hiền từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra đã chứng minh từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2018, Hiền đã mua gạo của 26 người với tổng số tiền gần 21 tỷ đồng, mua bao chứa gạo của 1 người với số tiền gần 95 triệu đồng, tạm ứng tiền bán cám và gạo của 2 người với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Hiền đã chiếm đoạt gần 22,2 tỷ đồng.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn