Rủi ro từ dịch vụ rút tiền mặt, chuyển tiền nhanh

Cập nhật ngày: 24/02/2024 10:25:00

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240224102551dt2-5.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số cá nhân, cửa hàng tự ý mở dịch vụ chuyển, rút tiền, nhất là ở nông thôn. Các cửa hàng này đa số là tự phát và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả người cung cấp và sử dụng dịch vụ này.


Cơ sở kinh doanh treo bảng dịch vụ “chuyển tiền nhanh - rút tiền mặt” tự phát

Cầm số tiền mặt trên tay, chúng tôi thử đến 1 một cửa hàng có treo bảng dịch vụ “chuyển tiền nhanh, rút tiền mặt” để nhờ chuyển vào tài khoản. Rất nhanh chóng, nhân viên tại cửa hàng sử dụng tài khoản Internet Banking của cá nhân để chuyển vào tài khoản chúng tôi yêu cầu. Tuy nhiên, giao dịch này được thực hiện không có biên lai hay hóa đơn chứng từ nào. Và tất nhiên cũng thu phí theo kiểu tự thích. Với giao dịch như vậy, khi có tranh chấp xảy ra sẽ khó để giải quyết. Chưa kể đến những trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể xảy ra khi giao dịch. Mới đây, trên địa bàn huyện Lai Vung đã xảy ra trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sử dụng dịch vụ này. 2 thanh niên lạ mặt đã đến tiệm điện thoại di động của ông Đ.V.T. để nhờ chuyển khoản số tiền 2.500.000 đồng. Sau khi ông T. chuyển khoản xong, lợi dụng lúc ông T. mất cảnh giác, 2 đối tượng nhanh chóng lên xe tẩu thoát. Rất may, lực lượng Công an đã bắt giữ được 2 đối tượng trên.

Ngoài ra, ở TP Cao Lãnh cũng xuất hiện biến tướng với thủ đoạn được cảnh báo là đối tượng tạo tài khoản ảo giả danh người thân cho rằng đã nhận được 200 triệu đồng tiền mặt và yêu cầu chuyển khoản 200 triệu đồng vào tài khoản khác, để lấy phí 200.000 đồng. Rất may, chủ tài khoản có sự cảnh giác nên không bị lừa đảo. Trung tá Văng Tấn Sang - Đội trưởng, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Hoạt động trên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, các phí dịch vụ thì không theo quy định của pháp luật, đồng thời mất an toàn rất cao, chẳng hạn như các đối tượng sẽ lợi dụng dịch vụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là điều kiện để các đối tượng mua bán hàng cấm, vật cấm hoạt động giao dịch. Đối với hành vi vi phạm này đã vi phạm Điều 8, Luật Tổ chức tín dụng và Nghị định 88 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Về mức phạt từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán mà không có giấy phép”.

Trong thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tổ chức nhiều đợt đến các cơ sở kinh doanh tự phát dịch vụ này để tuyên truyền, nhắc nhở, cho làm cam kết thực hiện theo các quy định của pháp luật. Qua đó, đa số các cửa hàng đã tháo dỡ bảng, không tiếp tục thực hiện các dịch vụ sai quy định. Để giải quyết tốt tình trạng trên, ngoài việc người dân không thực hiện giao dịch tại các dịch vụ tự phát thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng được cấp phép cần mở rộng dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân có thể giao dịch nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Thanh Mỹ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn