Tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự

Cập nhật ngày: 21/02/2014 01:02:01

Nhằm tạo chuyển biến cơ bản công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự (THADS), góp phần thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/2/2014 về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS.

Chỉ thị quy định về 8 nội dung công việc. Trong đó, quy định về tổ chức THADS, các cơ quan THADS có trách nhiệm niêm yết công khai thủ tục thi hành án tại trụ sở cơ quan, tiến tới công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị về quá trình thi hành án, kết quả thi hành án để các bên có liên quan theo dõi, giám sát. Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời thông tin về tiêu cực, tham nhũng liên quan đến thi hành án dân sự. Tất cả công chức thi hành án khi tiếp, làm việc với tổ chức, cá nhân liên quan phải đeo thẻ công chức. Việc tiếp đương sự phải thực hiện theo quy định về tiếp công dân; chỉ tiếp tại phòng tiếp công dân, phòng khách, các địa điểm do pháp luật quy định; nghiêm cấm tiếp đương sự tại nhà riêng, phòng làm việc, những nơi khác không đúng quy định...

Về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần công khai, minh bạch quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định. Chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm ngay từ cơ sở. Nghiêm cấm việc lợi dụng việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại để trì hoãn, kéo dài việc thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra của cấp trên đối với cấp dưới và với cá nhân liên quan trực tiếp đến tất cả các khâu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong tổ chức thi hành án (chú trọng các khâu thụ lý thi hành án, xác minh, phân loại án, áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế, thu, chi trả tiền thi hành án).

Đối với công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải xử lý nặng; trong trường hợp bị kết án về hành vi tiêu cực, tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì bị buộc thôi việc. Công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng bị kỷ luật chưa đến mức buộc thôi việc thì bố trí sang làm nhiệm vụ khác trong thời hạn ít nhất 2 năm... Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn