Triển khai các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua

Cập nhật ngày: 06/03/2024 16:20:00

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Triển khai các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Theo đó, triển khai phổ biến 9 Luật và 11 Nghị quyết. Cụ thể là các luật: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

11 Nghị quyết gồm: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”…

Cùng với đó, tăng cường phổ biến Chỉ thị số 23/CT-TTg. Cụ thể, tổ chức quán triệt, chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về các nhiệm vụ cụ thể của Chỉ thị số 23/CT-TTg phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương để tạo sự thống nhất về nhận thức và tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung phổ biến các nội dung quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp, mục đích, giá trị pháp lý của Phiếu lý lịch tư pháp; quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; các phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong quá trình thực hiện, cần nắm bắt và phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ý kiến của Nhân dân, phản ánh của dư luận xã hội về sự cần thiết của Phiếu lý lịch tư pháp trong các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để làm căn cứ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính…

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn