Các thời kỳ của tuổi trẻ

Cập nhật ngày: 13/04/2015 02:42:42

Quá trình lớn lên và phát triển của trẻ có tính song hành, đan xen vào nhau và hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và vận động. Các thời kỳ tuổi trẻ gồm: Bào thai, sơ sinh, nhũ nhi, răng sữa, thiếu niên và dậy thì.

1. Thời kỳ bào thai:

Bắt đầu từ lúc thụ thai cho tới lúc sinh. Đây là giai đoạn dành cho sự hình thành và biệt hóa các cơ quan. Tất cả các cơ quan phải được hình thành 100%. Nếu cơ quan nào chưa hình thành hoàn chỉnh, khiếm khuyết thì mãi mãi sau này không có hiện tượng bù đắp.

Ở giai đoạn này một số yếu tố có thể gây rối loạn hoặc cản trở sự tượng hình thai, có thể bị sẩy thai, quái thai hay dị tật bẩm sinh (di truyền hay mắc phải), suy dinh dưỡng bào thai, sinh non niễm trùng... Do đó khi mẹ mang thai tránh tiếp xúc với hóa chất, chất độc, tránh tiếp xúc với người bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi...; không nên lạm dụng thuốc, rượu, thuốc lá, thuốc gây nghiện sẽ ảnh hưởng đến thai, tránh làm việc quá sức; phải ăn uống đầy đủ chất và lượng, sống vui vẻ tránh lo âu, phiền muộn sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ sau này.

2. Thời kỳ sơ sinh:

Bắt đầu sau sinh đến dưới 1 tháng tuổi là giai đoạn thích nghi và làm quen với cược sống bên ngoài tử cung như hô hấp, tuần hoàn, hệ tiêu hóa cùng với bữa bú đầu tiên để có đủ năng lượng cần thiết cho sự thích nghi các cơ quan, trẻ cần được dinh dưỡng, lúc này sữa mẹ đóng vai trò hết sức cần thiết đối với trẻ. Vì sữa non, sữa vĩnh viễn đều thích hợp với bộ tiêu hóa và cung cấp năng lượng và các chất cần thiết cho trẻ, đặc biệt là sữa non có chứa hàm lượng đạm, các globulin miễn dịch và một số chất diệt khuẩn và vitamin A. Ngoài ra, khi bú mẹ tạo điều kiện cho việc phát triển tình cảm mẹ con thêm khắng khít.

Ở giai đoạn này bệnh lý có thể gặp như: xuất huyết não, màng não, ngạt, do sang chấn sản khoa, nhiễm trùng rốn, nhiễm trùng huyết, vàng da nhân, hạ đường huyết. Nhìn chung có nhiều yếu tố cản trở sự thích nghi của trẻ và có thể dẩn đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời ở giai đoạn này. Do đó khi mang thai mẹ nên đi khám thai định kỳ để phát hiện các thai kỳ nguy cơ cao, sanh tại cơ sở y tế đảm bảo vô khuẩn, tránh nhiễm trùng, trẻ phải được bú sữa mẹ nhất là sữa non nếu không có chống chỉ định.

3 Thời kỳ nhũ nhi:

Kéo dài từ 2 tháng đến 12 tháng. Thời kỳ này trẻ lớn nhanh, não trưởng thành rất nhanh, 75% so với người lớn, lớp mỡ dưới da phát triển mạnh làm cho trẻ có vẽ bụi bẩm. Quá trình chuyển hóa cao, đồng hóa hơn vị hóa, trẻ cần năng lượng rất cao mà chức năng bộ máy tiêu hóa của trẻ dễ bị rối loạn nên trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nếu không được bú mẹ và ăn dặm thích hợp. Song song đó thì trí tuệ và vận động cũng phát triển như trẻ lật, bò, đi, nói, cười... trẻ tiếp xúc với xã hội và môi trường xung quanh, quan hệ mẹ con được hình thành và phát triển, do đó mẹ cần thời gian chơi đùa với con để giúp trẻ phát triển và hình thành nhân cách, bên cạnh đó cần tận dụng nguồn sữa mẹ và cho trẻ ăn dặm hợp lý theo tháng tuổi của trẻ, tiêm ngừa đầy đủ, theo dõi trẻ định kỳ.

4. Thời kỳ răng sữa:

Bắt đầu từ 1- 6 tuổi, trong thời kỳ này trẻ tiếp tục lớn nhưng phát triển chậm lại, tăng trung bình 2kg/năm, cao 5cm/năm, vòng đầu gần hay giống như người lớn và não trưởng thành gần như hoàn toàn lúc 6 tuổi. Về vận động, trẻ ngày càng khéo léo hơn, tâm trí cũng phát triển tốt hơn, có thể học hát, đếm, ham tìm hiểu thích sống tập thể, thích bạn bè. Đây là thời kỳ răng sữa nên trẻ bắt đầu nhai được các thưc ăn của người lớn và rất chán với thức ăn mềm lỏng của tuổi nhủ nhi, trò chơi cũng là hoạt động chủ yếu của trẻ trong giai đoạn này giúp trẻ hình thành nên trí tưởng tượng nhân cách và tư duy.

Các vấn đề khác có thể găp trong thời kỳ này là trẻ dễ bị hạ đường huyết do trẻ ham chơi hoặc do chế độ ăn không hợp lý mặc khác do trẻ tăng thời gian tìm hiểu môi trường xung quanh nên trẻ cũng dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm nếu không được tiêm chủng đầy đủ từ trước, và do hiếu động, tò mò nên trẻ dễ bị tai nạn, ngộ độc... Cần chăm sóc trẻ thật tốt, tránh để trẻ đói, thay đổi khẩu vị luôn phù hợp với trẻ. Phải tiêm ngừa cũng cố thêm hệ miễn dịch giúp trẻ chống lại một số bệnh nhiễm trùng.

5. Thời kỳ thiếu niên:

Được tính từ 7-14 tuổi (tuổi học đường). Trẻ tiếp thu nhanh mọi kiến thức, biết suy nghĩ và phán đoán, phát triển trí thông minh và bắt đầu phân biệt giới tính, răng vĩnh viễn bắt đầu mọc thay răng sữa. Ở thời kỳ này trẻ hay bắt chước, có khuynh hướng tự lập, nghe lời bạn bè hơn ba mẹ, dễ bị tác động ở môi trường xấu, còn lầm lẩn khái niệm tình yêu đôi lứa với mối quan hệ bạn khác phái trong tuổi học trò, trẻ dễ mắc thăng bằng vể tâm lý.

Bàn ghế phải phù hợp với lứa tuổi, tư thế ngồi học phải ngay ngắn, tránh gù, vẹo cột sống do dây chằng cột sống của trẻ còn lỏng lẽo, ánh sáng phải đủ sáng khi học tránh cận thị...

6. Thời kỳ dậy thì:

Từ 15-20 tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng về mặt tăng trưởng sinh học tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên. Ở thời kỳ này nếu được nuôi dưỡng tốt, trẻ dậy thì sớm lúc 12-13 tuổi, thường trẻ dậy thì lúc 15 tuổi và kết thúc lúc 20 tuổi, đây là bước ngoặc trẻ - người lớn, tức trưởng thành về thể chất, tâm lý trẻ nhiều  xáo trộn, luôn trong trạng tái lo âu do sự biến đổi về hình dáng và bộ phận sinh dục của cơ thể...

Do trẻ có sự biến đổi về hệ nội tiết - thần kinh, nhất là tâm trí thường không ổn định nên trẻ dễ thay đổi tính như lạc quan, bi quan, thất vọng, có những hành động quyết định thiếu suy nghĩ; do tâm lý kém ổn định trẻ dễ bị rối loạn tâm thần trong thời kỳ này. Vì thế các bậc phụ huynh phải hết sức quan tâm đến giáo dục và giới tính cho con em để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cẩm Lụa

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn