Chủ động phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo mùa nắng nóng

Cập nhật ngày: 14/03/2014 08:43:41

Hiện đang vào mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là điều kiện thuận lợi để virut gây bệnh dại phát triển và lây lan mạnh trên chó, mèo. Để ngăn ngừa bệnh dại, biện pháp tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đang được lực lượng thú y các địa phương triển khai.


Chủ động tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo là cách tốt nhất bảo vệ
tính mạng chủ nuôi và những người xung quanh

Đồng Tháp là tỉnh thuộc vùng đồng bằng, diện tích rừng ít, không đồi núi nên số lượng động vật hoang dã, động vật vô chủ không nhiều, vì vậy, vật chủ trung gian truyền bệnh dại cũng ít hơn các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Nhưng, không vì vậy mà lực lượng thú y tỉnh lơ là trong công tác này. Hàng năm, Chi Cục Thú y tỉnh đều chỉ đạo cho các Trạm Thú y địa phương lên kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân khai báo và chủ động đưa vật nuôi đi tiêm phòng bệnh dại.

Đầu năm 2014, Chi Cục Thú y tỉnh chỉ đạo các Trạm Thú y tiêm phòng bệnh dại cho đàn vật nuôi. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêm phòng cho hơn 9.330/30.200 con chó, mèo đạt trên 30% tổng đàn và đang tiếp tục tiêm phòng. Bên cạnh đó, ngành thú y địa phương còn phối hợp với các đơn vị liên quan phổ biến cho người chăn nuôi nhận biết bệnh dại và phương pháp xử lý vật nuôi mắc bệnh thông qua các buổi tập huấn chuyên môn, kỹ thuật về chăn nuôi - thú y.

Theo Chi Cục Thú y, sau khi tiến hành xong đợt tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó, mèo, khoảng đầu tháng 5, ngành thú y sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đội bắt chó thả rông và động vật nghi mắc bệnh dại để nhốt lại và theo dõi sức khỏe, đồng thời vận động người dân nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh chó, mèo ký cam kết thực hiện chương trình “5 không” (không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường).

Ngoài những nỗ lực của ngành Thú y, chính quyền các huyện, thị, thành cũng tích cực tham gia tuyên truyền vận động bà con tiêm phòng cho vật nuôi. Đài Truyền thanh các địa phương thường xuyên thông tin đến người dân lịch tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Chi cục Thú y cho biết, mặc dù lực lượng thú y cơ sở đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó bằng cách xuống từng gia đình vận động nhưng tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng hàng năm vẫn chưa cao. Đáng chú ý là hầu như các hộ nuôi chó, mèo không hề đăng ký với chính quyền địa phương và có thói quen bấm răng cho chó khi chúng trưởng thành để hạn chế cắn người thay vì phải tiêm vắc xin dại cho chúng. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân còn chủ quan, lơ là và chưa thấy hết tác hại của bệnh dại.

Trong hai năm (2012, 2013), Đồng Tháp đã có 2 ca tử vong do mắc bệnh dại, một ca ở huyện Cao Lãnh và một ca ở huyện Tân Hồng. Trước thực trạng trên, ngành thú y khuyến cáo người nuôi chó, mèo cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo đúng qui định của Nhà nước. Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm và nguồn truyền bệnh cho người chủ yếu là từ chó, mèo. Virut gây bệnh dại cho chó, mèo thường phát tán và lây lan trong mùa nắng nóng, do vậy người nuôi cần nâng cao ý thức và thực hiện tốt việc tiêm phòng dại để bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi cũng chính là bảo vệ tính mạng cho mình và những người xung quanh.

Bích Liễu

Xử lý khi bị động vật mắc bệnh dại hoặc nghi bị mắc bệnh dại cắn:

Khi bị động vật mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm vào vết thương, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng vi rút dại phát tán càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Đối với súc vật cắn người thì phải nhốt riêng, không cho tiếp xúc với người và súc vật khác; theo dõi triệu chứng lâm sàng trong vòng 10-15 ngày.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn