Hiệu quả từ việc đẩy mạnh truyền thông công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Cập nhật ngày: 09/08/2016 06:16:37

Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tiến tới xã hội hóa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), thời gian qua, Trung tâm Y tế - Dân số huyện Lai Vung đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số,... Từ đó, đã làm thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng về ý nghĩa, tầm quan trong của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và thực hiện KHHGĐ.


Một buổi truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình ở huyện Lai Vung

Theo Trung tâm Y tế - Dân số huyện, 7 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu DS-KHHGĐ thực hiện đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, tỷ lệ con thứ 3 trở lên giảm 0,48%; tỷ lệ giới tính khi sinh là 117 nam/100 nữ, so với cùng kỳ năm 2015 là 121 nam/100 nữ; vận động các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 105,33%, tăng 3,63% so với cùng kỳ; sàng lọc trước sinh đạt 20,58%, tăng trên 5% so với cùng kỳ 2015;...

Được những kết quả trên, Trung tâm Y tế - Dân số huyện Lai Vung phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai thực hiện truyền thông thường xuyên ở tuyến cơ sở; truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và mất cân bằng giới tính khi sinh; địa bàn có mức sinh cao, đối tượng khó tiếp cận thông qua nhiều hình thức: nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm, vãng gia tư vấn, cấp phát tờ bướm cho đối tượng, lồng ghép vào sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ của các đoàn thể; tuyên truyền qua hệ thống loa, đài,... phổ biến đến người dân các nội dung: Pháp lệnh Dân số; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Chị Nguyễn Thị Thu Ba - cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã Tân Dương cho biết: “Hàng tháng, chúng tôi truyền thông từ 3 đến 5 cuộc. Nội dung tuyên truyền theo chủ đề do cấp trên gợi ý hoặc về các chỉ tiêu địa phương chưa đạt, trọng tâm vẫn là chăm sóc SKSS và thực hiện KHHGĐ đối với cá nhân, gia đình và xã hội; giới thiệu các biện pháp tránh thai hiện đại; hậu quả của việc sinh nhiều, sinh dày và nạo phá thai; những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; bình đẳng giới; lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh... Qua đó, giúp các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết đầy đủ hơn về chăm sóc SKSS- KHHGĐ”.

Chị Nguyễn Thị Hằng ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, huyện Lai Vung cho biết: “Tôi đã có 1 con trai, dự định sinh thêm đứa nữa. Lần sinh sau, dù trai hay gái, tôi cũng quyết định không sinh thêm nữa. Vợ chồng tôi cùng quan niệm con nào cũng là con, mình không nên lựa chọn giới tính”.

Theo ông Lê Văn Kha - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế - Dân số huyện Lai Vung, công tác DS-KHHGĐ huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn ở mức cao; tỷ lệ giới tính khi sinh có giảm nhưng vẫn còn cao so với mức ổn định là 103 - 107 nam/100 nữ;... Vì vậy, Trung tâm Y tế - Dân số sẽ phối hợp với các đoàn thể truyền thông cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; tăng cường hỗ trợ truyền thông cho các xã, thị trấn phổ biến kiến thức về DS-KHHGĐ; phối hợp với các trường phổ thông để truyền thông chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho các em. Đặc biệt, trong tháng 8 này, huyện sẽ tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên toàn huyện. “Để công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện Lai Vung tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn, ngoài những nỗ lực của ngành chức năng, các cấp, các ngành, đoàn thể và 142 cộng tác viên dân số của huyện thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội vào sự nghiệp này” - ông Kha nhấn mạnh.

PHÚC HIỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn