Phương pháp điều trị nghiện bằng Methadone

Cập nhật ngày: 18/04/2014 06:03:17

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng Methadone đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại Đồng Tháp, cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone dự kiến được đưa vào hoạt động bắt đầu từ tháng 6/2014. Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp xung quanh vấn đề này.

PV: Xin bác sĩ cho biết sơ lược về Methadone?

BS Đoàn Tấn Bửu: Methadone là một chất đồng vận với các CDTP, có tác dụng giảm đau, giảm ho, yên dịu, giảm hô hấp và gây nghiện, nhưng gây khoái cảm yếu. Methadone được dùng bằng đường uống, tác dụng khoảng 30 phút sau khi uống và đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 3 - 4 giờ. Thời gian bán hủy trung bình của Methadone là 24 giờ. Thời gian đạt được nồng độ ổn định khoảng 3 đến 10 ngày. Sau một thời gian dài điều trị bằng thuốc Methadone, có thể giảm liều từ từ và tiến tới ngừng sử dụng Methadone. Trong quá trình này, người bệnh vẫn xuất hiện hội chứng cai, nhẹ hơn rất nhiều so với việc ngừng sử dụng Heroin.

PV: Vì sao Đồng Tháp phải điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone? Lợi ích của việc điều trị Methadone?

BS Đoàn Tấn Bửu: Các cơ sở điều trị cai nghiện các CDTP bằng Methadone được triển khai dựa trên nhu cầu điều trị cai nghiện các CDTP bằng Methadone tại Đồng Tháp nhằm góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở các đối tượng nghiện các CDTP, góp phần giảm các tệ nạn xã hội. Tính đến cuối năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 507 người nghiện ma túy gồm cả nam lẫn nữ có hồ sơ quản lý. Đến năm 2012, số nghiện chích ma tuý trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý là 765 người và ước tính có tổng cộng 1.080 người nghiện ma túy. Hình thức cai nghiện của người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là cai nghiện tại cộng đồng quản lý và tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh với phương pháp cai nghiện chủ yếu là cai nghiện khô không đặc hiệu.

Do đó, công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện rất cao (trên 95%). Lợi ích của việc điều trị Methadone đã được công nhận, đó là: không tiếp tục sử dụng ma tuý bất hợp pháp; sử dụng bằng đường uống nên giảm lây nhiễm HIV; giảm tử vong do tiêm chích quá liều; cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghiện; cải thiện mối quan hệ của người nghiện với gia đình và cộng đồng; giảm các hành vi tội phạm, bảo đảm tốt về an ninh trật tự. Gia đình của người nghiện ma túy không phải khó khăn lo lắng về ma túy. Hiệu quả kinh tế của điều trị Methadone đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và đưa ra kết luận: với 1 USD chi cho chương trình Methadone sẽ tiết kiệm được 7 USD chi cho các vấn đề khác phát sinh như các về vấn đề luật pháp, hành pháp, y tế, xã hội, bảo hiểm,...

PV: Quy trình điều trị Methadone? Đơn vị nào được giao tiếp nhận, thực hiện chương trình này?

BS Đoàn Tấn Bửu: Hàng ngày người bệnh phải đến cơ sở điều trị Methadone để uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế. Nhân viên y tế có nhiệm vụ theo dõi người bệnh uống thuốc Methadone. Sau khi uống Methadone người bệnh phải uống nước trước mặt nhân viên y tế để khẳng định người bệnh đã thực sự uống Methadone. Liều Methadone sử dụng cho mỗi người bệnh theo từng giai đoạn điều trị thực hiện theo “Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành. Sau thời gian điều trị Methadone có hiệu quả, nếu người bệnh mong muốn, có thể thảo luận với người bệnh về dự kiến giảm liều để tiến tới ngừng điều trị.

Đối với việc ngừng điều trị tự nguyện sẽ được thực hiện sau khi đã giảm liều và được sự đồng ý của người bệnh. Khi liều đang điều trị là 20mg/ngày, có thể thực hiện ngừng hoàn toàn Methadone nhưng phải kết hợp với điều trị hội chứng cai theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc ngừng điều trị bắt buộc được thực hiện khi có dấu hiệu chống chỉ định xuất hiện trong quá trình điều trị Methadone, vì sức khỏe người bệnh, vì sự an toàn của người bệnh khác hoặc của nhân viên cơ sở điều trị. Quy trình thực hiện giống như ngừng điều trị tự nguyện. Cần thực hiện các chăm sóc hỗ trợ khác ít nhất trong 6 tháng sau khi ngừng điều trị Methadone. Người bệnh không được ngưng dùng methadone đột ngột, hoặc có thể có các triệu chứng cai nghiện khó chịu.

Cơ sở điều trị Methadone tại TP. Cao Lãnh (cơ sở 1) và tại TP.Sa Đéc (cơ sở 2) là Khoa Điều trị Methadone thuộc Trung tâm y tế TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc, chịu sự quản lý toàn diện của Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật của Sở Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Cơ sở 1 đặt tại số 100 Nguyễn Huệ, phường 2, TP.Cao Lãnh. Cơ sở 2 tại số 68 Hùng Vương, khóm 2, phường 2, TP.Sa Đéc.

PV: Đối tượng được xét chọn vào chương trình điều trị các CDTP bằng Methadone? Người nghiện có tốn chi phí điều trị?

BS Đoàn Tấn Bửu: Đó là những người bệnh đang nghiện các CDTP theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện CDTP của Bộ Y tế; từ 18 tuổi trở lên nghiện các CDTP trong một thời gian dài và đã qua nhiều biện pháp cai nghiện nhưng không thành công; không có hành vi tội phạm trong thời gian xét chọn vào chương trình điều trị; phải có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone theo mẫu của Bộ Y tế và cam kết tuân thủ điều trị; không có chống chỉ định sử dụng thuốc Methadone. Người nghiện phải có hộ khẩu thường trú và nơi cư trú ổn định tại tỉnh Đồng Tháp.

Trường hợp không có hộ khẩu thường trú nhưng đang tạm trú dài hạn tại Đồng Tháp phải có người cam kết hỗ trợ chỗ ở, điều kiện đi lại và tinh thần để đảm bảo việc uống thuốc hàng ngày tại cơ sở điều trị Methadone; có giấy giới thiệu của UBND xã, phường, thị trấn. Những đối tượng ưu tiên: người nghiện các CDTP trong một thời gian dài và đã qua nhiều biện pháp cai nghiện nhưng không thành công; người tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; người có cam kết hỗ trợ của gia đình. Về chi phí điều trị methadone cho người nghiện đến tham gia điều trị hoàn toàn được miễn phí, chỉ tốn các chi phí đi lại để đến cơ sở điều trị hàng ngày.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Hữu Nghĩa
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • nguyễn thanh liêm - thanhliem12ce1c@gmail.com
  • cho em được hỏi là khi nào thì mới bắt đầu cấp, phát thuốc methadol ở đồng tháp và nơi cấp là ở đâu. vì e đọc được tin là giữa năm se có nhưng đến nay đâu tháng 7 rồi . e rất quan tâm
 
Gửi bình luận của bạn