Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp

Cập nhật ngày: 30/05/2023 13:49:03

ĐTO - Những năm qua, công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp (BNN) luôn được ngành y tế Đồng Tháp và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) chú trọng. Thống kê của CDC, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn lao động được khám sức khỏe định kỳ, tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về tác hại và cách phòng, chống BNN.


Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên công ty

Hàng năm, CDC chủ động liên hệ với các doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động (QTMTLĐ), rà soát, phát hiện các nguy cơ rủi ro, khám sức khỏe và huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động. Căn cứ kết quả các đợt khám sức khỏe, thúc đẩy nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, các cơ quan, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm BNN, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động, từ đó tăng năng suất lao động, thúc đẩy đơn vị phát triển. Vì thế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm và thực hiện khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Phước Lợi - Phó Trưởng khoa phụ trách điều hành, Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, CDC cho biết: “Khoa tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các thông tư của Bộ Y tế về công tác ATVSLĐ và phòng, chống BNN cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động; tăng cường mở các lớp huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu, tổ chức QTMTLĐ, phòng, chống BNN cho các doanh nghiệp. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, CDC đã tổ chức QTMTLĐ, đo các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động cho 40 đơn vị; tổ chức tập huấn cho người lao động toàn ngành điện lực tỉnh và Công ty Cổ phần thủy sản Trường Giang về công tác ATVSLĐ và sơ cấp cứu ban đầu tai nạn lao động, phòng, chống BNN. Tổ chức khám BNN cho 1.500 người ở 5 doanh nghiệp; tham gia cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh kiểm tra Công tác ATVSLĐ tại 5 công ty gồm: Domesco, Bích Chi, Vĩnh Phước, Hùng Cá, Tỷ Thạc và Công ty Dầu cá Châu Á.

Cùng với việc khám BNN cho các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức các đợt QTMTLĐ như: đo các chỉ số vi khí hậu, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, bụi, ánh sáng... tại các vị trí làm việc theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế. Kiểm tra các loại hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác vệ sinh lao động; việc chấp hành các quy định về chế độ bảo hộ lao động, nội quy lao động; các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các đơn vị. Qua đó, kiến nghị các giải pháp tổ chức lao động, y tế và giải pháp kỹ thuật. Trên cơ sở góp ý và hướng dẫn của đơn vị, các doanh nghiệp đã bố trí thời gian làm việc cho người lao động hợp lý, góp phần phát triển sản xuất và đảm bảo quyền lợi thiết thực cho người lao động.

Công tác ATVSLĐ là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động; việc tuân thủ thực hiện ATVSLĐ để xây dựng môi trường lao động an toàn gắn với phát triển bền vững của doanh nghiệp là rất quan trọng. “Để hạn chế tai nạn lao động, BNN và đảm bảo ATVSLĐ, thời gian tới, CDC sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, tránh các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động. Phối hợp với các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng người lao động triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ y tế, chủ doanh nghiệp và người lao động. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các trang thiết bị, máy phục vụ công tác quan trắc, khám sức khỏe định kỳ và BNN ở các doanh nghiệp”- Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Phước Lợi nhấn mạnh.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn