Nhà báo cần phải vượt qua chính mình

Cập nhật ngày: 22/06/2014 04:55:45

Nhà báo được Đảng và Nhà nước quan tâm, được nhân dân tin yêu nhưng nếu không nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và không vượt qua được chính mình thì tác phẩm báo chí không thể nâng cao chất lượng trong việc phản ánh trung thực, khách quan đời sống.

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia trả lời phỏng vấn phóng viên một số vấn đề liên quan về Giải Báo chí quốc gia lần thứ VIII năm 2013.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Giải Báo chí quốc gia năm nay?


Ông Hà Minh Huệ. Ảnh: VGP/Phan Trang

Ông Hà Minh Huệ: Giải Báo chí quốc gia năm 2013 nhằm tôn vinh các tác giả, các tác phẩm báo chí của năm 2013 nhìn chung là thành công. Đây là năm có số lượng các tác phẩm dự thi cao nhất kể từ mùa giải đầu tiên (năm 2006) với 1.665 tác phẩm. Số lượng các đơn vị báo chí tham dự cũng tăng. Cụ thể là có 196 đơn vị và cá nhân tham dự 11 loại giải, gồm 58/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, chứng tỏ sức thu hút của Giải đã lan toả mạnh mẽ.

Chất lượng các tác phẩm khá đồng đều, chủ yếu đi vào các chủ đề nóng, các vấn đề lớn của đất nước, tuy nhiên, những tác phẩm thực sự nổi trội thì chưa có nhiều.

Hội đồng chấm giải “so bó đũa, chọn cột cờ” đã chọn ra được các tác phẩm tốt nhất. Số tác phẩm được trao giải A cũng nhiều nhất. Các tác phẩm đoạt giải nhìn chung đều phản ánh được các vấn đề lớn của đất nước (như việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4; Chỉ thị 03 về thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và bảo vệ chủ quyền biển đảo).

Các vấn đề kinh tế-xã hội như phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng được phản ánh theo cách riêng (tác phẩm của Báo Nông thôn ngày nay, Báo Điện tử Chính phủ); những vấn đề tiêu cực được đưa vào phóng sự điều tra sâu như như nạn than lậu ở Quảng Ninh (Báo Nhân dân); vụ kích động gây rối tại Nghi Phương, Nghệ An (Báo Nghệ An, TTXVN).

Đặc biệt, mảng những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt xuất hiện khá nhiều. Nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất được phản ánh một cách xúc động (như tác phẩm “Chuyện của tôi” Đài PTTH Hà Tĩnh) kể về một thanh niên khuyết tật nhưng đã làm được những việc mà những người lành lặn cũng phải khâm phục…

Bên cạnh đó, cũng như những năm trước, chúng ta vẫn chờ đợi, mong muốn có những tác phẩm xuất sắc hơn nữa, có tính phát hiện sắc sảo hơn, sâu sắc hơn trong lý giải và mới mẻ hơn trong cách thể hiện. Mảng tin trong Giải Báo chí năm nay còn thiếu. Các bài mang tính chắt lọc, cô đọng vốn là thế mạnh từ nhiều năm nhưng chỉ cần một tin ngắn, có tính phát hiện tốt hoàn toàn có thể được giải A.

Ảnh báo chí vẫn là khâu yếu kém từ nhiều năm nay khi liên tục không có giải A. Có lẽ đây là “hậu quả” của quan điểm dùng ảnh làm minh họa cho bài viết chứ không làm tác phẩm báo chí ảnh độc lập. Một tấm ảnh dù không có lời chữ nào nhưng vẫn nói được rất nhiều nếu phóng viên biết tận dụng khoảnh khắc, thể hiện đựoc ý đồ của tác giả và ý đồ đó phải trùng hợp với bản chất vấn đề.

Chúng tôi mong rằng vào mùa giải năm tới sẽ có những tấm ảnh là một tác phẩm báo chí thực sự.

Ông đánh giá thế nào về cách chọn tác phẩm dự thi của các cơ quan báo chí cũng như cách lựa chọn các tác phẩm đoạt giải của Hội đồng Chung khảo?

Ông Hà Minh Huệ: Ngay từ cuối năm 2013, Hội Nhà báo đã gửi hướng dẫn tới các cấp hội và có các quy định rất cụ thể về việc lựa chọn tác phẩm dự thi. Chúng tôi đã đề xuất thành lập Ban sơ tuyển ngay tại cấp hội. Tôi cho rằng Ban sơ tuyển phải chắt lọc các tác phẩm tốt nhất ngay từ khâu đầu để gửi lên Hội đồng Giải.

Bên cạnh đó, Hội đồng Sơ khảo cũng được thành lập với vai trò sàng lọc hàng nghìn tác phẩm báo chí gửi về. Đây là công việc hết sức vất vả (1 tiểu ban sơ khảo chỉ có 7 người, số tác phẩm dự thi lại quá lớn). Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chấm sơ khảo có thể để lọt những tác phẩm hay. Nhưng “so bó đũa, chọn cột cờ”, Hội đồng chấm sơ khảo, dù không tuyệt đối nhưng cũng có sự chính xác nhất định trong việc tuyển chọn tác phẩm dự thi.

Ở vòng chung khảo, Ban chung khảo (39 thành viên) tập hợp những người tham gia chỉ đạo báo chí, những người nắm đầy đủ chủ trương chính sách và có thể thẩm định chất lượng thông tin.

Ban chung khảo thẩm định chất luợng của từng loại giải và xác định trên mặt bằng chung mà không theo từng thể loại để cho điểm. Chính vì vậy mà chỉ có 8 giải A trên 11 thể loại báo chí. Có những thể loại chỉ có giải B hoặc giải C.

Tuy nhiên, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia trân trọng tất cả các tác phẩm dù đoạt giải hay không đoạt giải vì đó là những tác phẩm đã qua tuyển chọn gắt gao và Hội đồng chấm giải đã làm việc rất công tâm để không xảy ra sai sót.

Để nâng tầm Giải Báo chí quốc gia theo ông cần phải làm gì?

Ông Hà Minh Huệ: Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đang xây dựng Đề án nâng cao chất lượng Giải Báo chí quốc gia.

Vừa qua chất lượng các tác phẩm báo chí tương đối đồng đều nhưng đã là cuộc thi thì cần phải chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Tuy nhiên, bản thân những nguời chấm giải vẫn mong mỏi có những tác phẩm nổi bật hơn nữa.

Ông Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam có nói hiện chưa có những tác phẩm làm lay động trái tim, khối óc công chúng, những tác phẩm có sức phát hiện, có lý giải xác đáng, sắc sảo.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn hài lòng là chất lượng báo chí nói chung liên tục được nâng lên và mặc dù thi thoảng có chuyện này, chuyện khác, nhưng báo chí vẫn làm tốt chức năng đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Nổi bật những ngày gần đây, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, báo chí đã vào cuộc rất nhanh, rất mạnh và có hiệu quả, mang đến những thông tin xác thực hoà cùng tiếng nói đấu tranh ngoại giao để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cùng với đó, rất nhiều nhà báo đã ra Hoàng Sa để tác nghiệp.

Chúng ta luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện, được nhân dân tin yêu nhưng nếu nhà báo không nâng cao nhận thức chính trị, không nâng cao trình độ nghiệp và không vượt qua được chính mình thì các tác phẩm báo chí không thể nâng cao chất luợng. Vượt qua chính mình tức là phải vuợt qua được những cám dỗ của cơ chế kinh tế thị trường để bài báo phản ánh trung thực, khách quan cuộc sống.

Nhà báo phải tuân thủ pháp luật và Luật Báo chí, thực hiện nghĩa vụ công dân. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo có 9 điều trong đó “đưa tin trung thực” là điều quan trọng nhất. Vì thế, tôi hy vọng các nhà báo nói chung và các nhà báo trẻ nói riêng cần phải vượt qua được chính mình để có những tác phẩm báo chí thực sự có giá trị, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phan Trang (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn