Sau bão số 5, miền Trung lo chống lũ

Cập nhật ngày: 19/09/2020 06:21:59

Cơn bão số 5 lướt nhanh qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã gây một số thiệt hại. Hết bão, những cơn mưa lớn liên tiếp trút xuống vùng núi của miền Trung gây lũ quét và sạt lở đất. 

Thiệt hại vì lốc xoáy 

Thị trấn Phú Đa (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) thiệt hại nặng khi bão số 5 lướt qua. Con đường ngoằn ngoèo từ trung tâm thị trấn Phú Đa đến tổ dân phố Hòa Đông dài hơn 1km, cây cối đổ ngã vắt ngang, mặt đường lởm chởm. Hệ thống lưới điện quốc gia, dây viễn thông đứt gãy la liệt...

Chị Nguyễn Thị Hồng Na, trú thôn Hòa Đông (thị trấn Phú Đa) đứng ngẩn ngơ nhìn căn nhà vừa bị bão quật tốc mái hoàn toàn... “Cả nhà đang tránh bão thì bất ngờ gió rít cuốn bay cả mái tôn. Thảng thốt tìm được con thì thấy con đầy vết xước... Khi gió ngớt mới biết trong xóm có hàng chục ngôi nhà bị gió bão cuốn tốc mái”, chị Na kể.


Cảnh sát PCCC Thừa Thiên - Huế sửa chữa nhà dân bị bão đánh tốc mái. Ảnh: VĂN THẮNG

Trước khi bão số 5 đổ bộ, một trận lốc xoáy quét qua xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, làm 25 ngôi nhà ở thôn 4 và thôn 11 bị tốc mái, hư hỏng nặng. Rất may, lốc xoáy không gây thiệt hại về người.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng thống kê thiệt hại của người dân. Trưa 18-9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 5 trên địa bàn. 

Đang dọn lại những tấm lợp bị gió cuốn bay, anh Võ Văn Tri (trú thôn Tây Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cho biết: “Đến gần trưa gió thổi mạnh nên cả gia đình đóng cửa ở trong nhà. Đến khi nghe tiếng “rầm”, nhìn ra sân thì thấy mái nhà bị gió quăng quật. Mái nhà này gia đình tôi mới làm lại tháng trước, nay đã bị cuốn mất rồi”. Theo thống kê của UBND xã Hải Sơn, toàn xã có 31 ngôi nhà bị tốc mái, hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực cùng người dân dọn dẹp cây cối để đảm bảo an toàn việc đi lại cho người dân và tạm thời những mái nhà bị hư hỏng nặng.

Lúc 5 giờ 30 sáng cùng ngày, trên địa bàn xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn, kèm theo lốc xoáy mạnh kéo dài khoảng 20 phút, khiến ít nhất 75 ngôi nhà dân và nhiều ki ốt, quán hàng bị tốc mái, hư hỏng nặng. Nhiều tường rào bị, diện tích hoa màu, cây ăn quả bị hư hỏng, gãy đổ, trong đó nặng nhất là ở thôn Bắc Sơn và Bắc Mới… Ngay sau khi lốc xoáy tan, chính quyền địa phương cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và cơ quan, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.


Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp dân ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, khắc phục hậu quả lốc xoáy. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Chia cắt nhiều nơi

Do ảnh hưởng bão số 5, lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn đã gây ngập cục bộ tại huyện miền núi tỉnh Quảng Trị.

Tại huyện Đakrông, tuyến đường 15D bị ngập gây ùn tắc tại cầu tràn ngã ba La Lay (xã A Ngo), tuyến đường Tà Rụt đi A Vao bị ngập, ùn tắc cục bộ tại cầu tràn thôn A Vao (xã A Vao).

Cùng ngày, tại đoạn đường nước ngập thuộc thôn A Pun (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), hai vợ chồng anh Hồ Văn H. (27 tuổi) và chị Hồ Thị N. (26 tuổi), ngụ tại thôn A Pun, xã Tà Rụt, trên đường đi làm rẫy về bị nước cuốn, chị N. mất tích. 

Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài từ tối 17-9 đã gây ra lũ quét và chia cắt nhiều nơi tại các huyện miền núi. Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam), cho biết, sau khi rìa bão số 5 quét qua, huyện Tây Giang bị mất điện, mất nước hoàn toàn. Tuyến đường huyết mạch đi các xã vùng cao bị cô lập bởi hơn 100 điểm sạt lở núi và ngập sâu từ 1-2m.

Đến chiều 18-9, Tây Giang đã sơ tán hơn 110 hộ dân tại các điểm sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời khắc phục các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Ngoài ra, lũ trên sông A Vương chảy qua huyện Tây Giang đổ về cũng gây ngập úng nhiều hoa màu, trâu bò bị chết do ngạt nước. Chính quyền địa phương đã cứu 4 hộ bị cô lập giữa sông A Vương (thôn AHu - xã ATiêng). 


Nỗ lực sơ tán người dân thôn AChiing (xã ATiêng, Tây Giang, Quảng Nam) bị mắc kẹt trong lũ. Ảnh: NGỌC PHÚC
 

Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam), cho biết, tuy mưa đã ngớt nhưng nước lũ từ thượng nguồn sông A Vương xuất hiện đột ngột khiến hơn 30 ngôi nhà của người dân tại các thôn Tà Vạc, Trao và A Duông (thị trấn PRao) ngập trong nước, toàn bộ tài sản bị hư hại, nhiều vật nuôi bị lũ cuốn trôi. Nhiều tuyến đường nội thị PRao bị ngập úng cục bộ. Tuyến đường Hồ Chí Minh từ thị trấn PRao về các xã ARooih, Zà Hung, Mà Cooih... bị ngập, giao thông chia cắt. Nước lũ làm cầu treo xã ARooih bị đứt cáp khiến xã này bị cô lập với bên ngoài. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng sơ tán khẩn cấp hàng trăm người dân đến nơi trú tránh an toàn và khắc phục sự cố.

Ngoài ra, tuyến QL14G nối TP Đà Nẵng với các huyện Đông Giang, Tây Giang bị nước lũ chia cắt nhiều nơi.

Nhiều hàng hóa hỗ trợ người dân

Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều tối 18-9, bão số 5 đã làm ít nhất 1 người chết, 1 người mất tích, 31 người bị thương, 2.447 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị gãy đổ.

Trước diễn biến nhanh và phức tạp của cơn bão số 5, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp với số hàng hóa dự kiến gồm: 600 bộ dụng cụ sửa nhà, 480 bình nước lọc, 1.600 thùng hàng gia đình và 30.000 viên khử khuẩn và 1,5 tỷ đồng từ Quỹ Cứu trợ thiên tai để sẵn sàng hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

NHÓM PV (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn