“Phát huy nguồn lực thông tin thư viện đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho nhân dân”

Cập nhật ngày: 16/04/2017 15:54:50

ĐTO - Đó là chủ đề Hội thảo do Liên hiệp Thư viện Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức tại thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) vào sáng 16/4. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày sách Việt Nam (21/4) lần thứ 4 năm 2017.


Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện của Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông và 200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, viên chức thư viện của 13 tỉnh ĐBSCL, Nghệ An và Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc thư viện tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Liên hiệp Thư viện ĐBSCL cho biết, trong năm 2016, với phương châm "sách đi tìm người đọc", các thư viện trong khu vực đã thiết kế nhiều mô hình và chương trình hoạt động như "Con đường sách - Nét đẹp văn hoá đọc Việt Nam", Thư viện lưu động phục vụ thanh thiếu nhi", luân chuyển sách báo đến trường học, trại giam,... thu hút cộng đồng đến với thư viện và đưa thư viện đến với cộng đồng. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, có trên 13 triệu lượt người đến đọc sách tại các điểm thư viện; hơn 6,5 triệu trang tài liệu quý hiếm được số hoá, góp phần nâng cao vốn tài liệu, nguồn lực thông tin cho ngành trong khu vực. Ngoài ra, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách được thực hiện một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy nhu cầu học tập của người dân.


Tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Bà Vũ Dương Thuý Ngà - Vụ trưởng Vụ thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao vai trò của Liên hiệp Thư viện ĐBSCL nói chung, các thư viện trực thuộc nói riêng trong công tác tổ chức thông tin, bổ sung, sưu tập nguồn tài liệu, đặc biệt là công tác phục vụ bạn đọc, mang sách đến với cộng đồng. Tuy nhiên, Bà Vũ Dương Thuý Ngà cũng cho rằng số lượng bạn đọc đến thư viện còn thấp so với yêu cầu; thư viện chưa có hoạt động phục vụ cho các chương trình trọng tâm như phát triển du lịch, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chính quyền thân thiện,... Đặc biệt, vấn đề số hoá tài liệu, áp dụng các công nghệ mới trong công tác phục vụ bạn đọc trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin còn đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị. Nhìn nhận thực trạng hoạt động của Liên hiệp thư viện trong thời gian qua và xác định những yêu cầu trong thời đại kỷ nguyên mới, các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề trọng tâm như: sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động với tinh thần "kết nối rộng, nội lực mạnh, tham mưu tốt"; chú trọng đổi mới các mô hình, sản phẩm và xây dựng, phát triển nguồn lực thông tin vững mạnh theo hướng số hoá để phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vụ trưởng Vụ thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị, trong thời gian tới, khi toàn vùng tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả cả các lĩnh vực đời sống xã hội, Thư viện trong khối Liên hiệp ĐBSCL cần "xây dựng môi trường văn hoá, phát triển con người về mọi mặt" góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Dịp này, Hội thư viện Việt Nam cũng tặng bằng khen cho 3 cá nhân thuộc đơn vị thư viện Tiền Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang vì đã có đóng góp xuất sắc trong hoạt động Liên hiệp và Hội thư viện.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn