Viết ngắn

Biết đâu niềm hoài cổ

Cập nhật ngày: 15/02/2022 14:54:40

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220215025537BIETDAUNIEM.mp3

ĐTO - Tết, với nhiều người trẻ là một khoảng nghỉ ngơi sau cả một năm trời vất vả, với người già, là cả một miền hoài niệm và lưu giữ truyền thống. Giờ đây, khi cuộc sống ngày càng khác trước, việc trở thành một công dân toàn cầu với mỗi người, gần như là một điều tự nhiên, và chuyện “xung đột với Tết” giữa người già và người trẻ, giữa giữ và bỏ... nảy sinh nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt. Với nhiều người trẻ, truyền thống vẫn là điều gì đó mơ hồ, người già thì quyết liệt hơn, bởi truyền thống được xem như rường cột.

Nhưng có đi ra ngoài nhiều, thì hẳn sẽ hiểu, thứ bản sắc phân biệt ta với thế giới còn lại, chính là cội nguồn, tổ tông, quê nhà. Dường như không thể chối cãi, phẩm cách của một người, lại do tất cả những thứ đó cộng lại.

Những năm ông bà nội ngoại còn sống, tôi nhớ Tết luôn là những ngày rộn rã nhất. Không phải rộn rã vì những mâm cúng đón rước ông bà linh đình, mà rộn rã vì luôn có khách đến viếng thăm. Đó là những người bà con ruột thịt, bà con xa, dòng họ tính theo cấp bậc... đến thắp hương cho những cụ tổ cụ tông – những người mà chúng tôi, đám trẻ nhỏ chưa từng bao giờ biết mặt. Chỉ biết những bàn thờ đó là thờ ông cao, bà cố qua lời giới thiệu của những người lớn. Đôi khi, tôi thắc mắc về cuộc đời của những ông cao, bà cố xa lạ này. Quả thật, họ xa lạ, nhưng họ lại là một phần trong máu thịt. Vậy mà hầu như, lịch sử về họ, những câu chuyện của họ, luôn là những bí ẩn với trẻ nhỏ. Một vài lời kể lại thường đứt gãy, chúng tôi phải tự kết nối và hình dung về toàn bộ con người. Một vài câu chuyện, có thể khiến chúng tôi tự hào, có thể khiến chúng tôi buồn cười, có thể khiến chúng tôi đau xót... những câu chuyện mình chưa từng dự phần, chưa từng là chứng nhân, vậy mà sao vẫn thấy cái phần lịch sử phía trước đó, nếu như không biết, thì mình cũng trống rỗng. Những thế hệ quá khác biệt, quá xa xôi thì có điều gì quan trọng, và toàn bộ những điều này, đã khiến lớp hậu duệ còn lại kia – là ông bà mình, cha mẹ mình, chú bác cô dì của mình, và tất nhiên có cả lũ trẻ chúng tôi nữa – nhìn nhận và thấy mình ở đâu trong gia tộc.

Tôi sẽ chẳng biết mình kế thừa được gì, nếu không thấy tận mặt những cuộc xúc động nho nhỏ luôn xảy ra trong những khoảnh khắc chắp tay vái lạy tổ tông, khi một người tóc đã hoa râm, đứng trước bàn thờ gia tiên, trầm ngâm, run rẩy và lặng đi. Rất nhiều cuộc xúc động mà tôi chứng kiến được, khiến tôi nghĩ hẳn có lẽ, có điều gì đó thâm sâu từ máu thịt, những ký ức, những kỷ niệm... toàn bộ những điều này làm thành một cuộn sóng xung động lên toàn bộ thịt da xương tủy của một người. Cái người đứng chắp tay trước bàn thờ đó, gần như miễn nhiễm với bên ngoài, họ đứng đó, cũng tức là trở lại, đến bên cạnh, chia sẻ con người của mình với quá khứ chứ không phải với hiện tại. Quá khứ, hay là tất cả mọi thứ xây đắp nên hình hài và cuộc đời của họ, là thứ mà mỗi người sẽ có cho mình một lưu giữ riêng biệt. Làn sóng xung động đó làm cho đứa trẻ nhỏ là tôi, những tưởng mình vô nhiễm, nhưng không đâu, chính từ giây phút đó, tôi biết mình đã thuộc về những kết nối bất biến.

Những ngày Tết xưa đó hiển nhiên đã trở thành quá vãng. Và rồi, khi thế hệ ông bà tôi mất đi. Rồi đến cả cha mẹ mình nữa. Những cuộc chia tay, biến mất như vậy cứ diễn ra trong cuộc đời. Những đứa trẻ hiển nhiên là lớn lên. Mỗi đứa trẻ mang một phần gen của tổ tông, tự giải thiêng cuộc đời mình. Ngờ rằng giờ đây, những thứ như là Tết, hẳn chỉ còn là hương động trên mảnh đất xưa, nơi những ngôi nhà cũ từng dựng lên trên đó. Nhà cũ đó cũng thay bao nhiêu lần rồi, ít ấm áp hơn xưa bởi gần như không còn lại gì quen thuộc nữa. Những bát hương nơi góc thờ tự, từng qua bao nhiêu cái Tết, đón bao nhiêu cuộc viếng thăm, làm phận sự lưu giữ qua bao nhiêu đời sống nữa?

Có lẽ khó mà có câu trả lời cho trọn vẹn giữa các thế hệ này với thế hệ kia, tại sao phải Tết? Những gói ghém kiểu như bà má già, vẫn bày biện rọc lá chuối gói đòn bánh tét, ủ hủ dưa cải muối chua, kho một nồi thịt kho rịu... thì có còn là quan trọng và cần thiết nữa không? Làm sao trả lời cho trọn vẹn, khi chính ta cũng không biết mình đang muốn thứ gì.

Ta không thể biết mình đang muốn gì, khi không thể tự trả lời câu hỏi của đứa bé con đứa em bạn dì, trố mắt trong veo nhìn ta, rồi quay qua má nó hỏi: “Ai đây má?” Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ con bây giờ, hóa ra lại không khác với đứa trẻ con của mấy chục năm về trước. “Ai đây má?”, tôi từng hỏi trong tuổi thơ mình rất nhiều câu như thế. Và người lớn được/bị hỏi sẽ mỉm cười, với mỗi đứa trẻ, mình đều là một người khách lạ. Nhưng việc giới thiệu cho đứa trẻ biết mình là ai, ở đâu, thuộc về nơi nào... lại là tiếng nói chung về gốc gác. Có tiếng nói chung, chỉ là để làm cho đúng, sống cho đáng, và gìn giữ những niềm vui nhỏ bé nhưng đầy quan trọng thế này, cho cuộc đời mình. Biết, cũng để ngộ ra rằng, có quá nhiều thứ ta đã bỏ lỡ trong cuộc đời mình, có quá nhiều thứ ta không thể bày ra cuộc sắp xếp. Và những manh mối này đây, chúng là trói buộc chung nhất, là những kết nối mà ta chỉ có thể nhận biết, chứ không thể giải thích.

Và Tết, để đón lại, để chia sẻ, để nằm yên trong niềm thương mến ân cần và điềm đạm. Ta biết ta đang ở cùng những người ta thương yêu và yêu thương ta, những người đã chứng kiến cùng nhau những giây phút ta lớn lên, trải cùng ta tuổi thơ, xót xa khi ta vấp té và cười an lòng khi ta bình yên. Còn gì quan trọng hơn thế nữa, khi cười cùng nhau trong một nhà, chúng tôi đã là một.

Tranh cãi chuyện có nên giữ Tết hay bỏ Tết, cần thiết gìn giữ truyền thống hay không, có lẽ không quan trọng bằng việc sống những ngày trọn vẹn, nghỉ ngơi trong những ngày đáng nhớ. Những ngày nằm lại chiếc giường cũ, ngồi dưới mái hiên xưa, nhắc lại những vui buồn thơ bé, hay hoặc là kể về những câu chuyện đứt gãy của những người bà con dòng tộc... hẳn quan trọng biết nhường nào. Đó y như là khoảng thời gian mà con nước lớn bồi đắp phù sa cho đất. Tâm hồn cũng như đất, cần được bồi đắp phù sa, phải có đủ dưỡng chất, thì mới sống.

Dưỡng chất có lẽ là tiết trời Tết khác biệt, với những dọn dẹp hoan hỉ, với những bỏ qua, những làm lại, những góp nhặt, những nồng nàn ấm áp. Tết có thể chỉ để gặp lại, chụp với nhau vài chiếc hình truyền thống, trong những dáng đứng ngồi mà tim đang đập cùng một nhịp. Một năm, như năm này, năm mà người ta khó khăn lắm mới tự vực mình dậy sau trận đại dịch Covid, những cuộc mất mát không phân biệt trẻ hay già, thì những sự sum vầy giản dị, trở nên quan trọng và ý nghĩa biết chừng nào.

Rồi những người ra đi sẽ lại gói theo hành trang, những người ở lại vẫn làm nhiệm vụ lưu giữ ký ức. Thời gian của quá khứ và thời gian của thực tại, nhập làm một, trong niềm hoài vọng, cổ kính, đầy kiên nhẫn.

Cảm ơn những tế bào gốc rễ, đã rất bao dung.

MINH PHÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn