Vườn cũ bâng khuâng

Cập nhật ngày: 06/02/2022 06:19:30

Đó là lúc có người bị cơn gió chạy lòn qua cửa chạm vào da thịt, đang không, cú chạm làm cho ngơ ngẩn, đẩy cơn nhớ ở đâu kéo về gấp ruổi. Gió đến vào buổi sáng sớm, lúc trời vừa ánh lên mấy giọt nắng vàng nhẹ trong veo, và cứ thế, gió làm một cử an trú, ở lại cho đến tận chiều tà, lúc nắng sậm lại thành màu mật ong.

Cái kiểu trời đất ráo tạnh cộng với cú sượt ve vãn ngang qua của gió, khiến người xa quê bỗng cất lên giọng hụt hửi nghe như giọng người thất lạc: Ủa, bộ Tết rồi sao?. Câu nói ném ra bán tín bán nghi, đâu ra mà Tết rớt xuống trước mặt cái đụi.

Vậy thôi đó mà bải hoải, nghe gió khắc lên da chữ nhớ. Ở đó, nỗi nhớ chạy rùng rình từ chân lên đầu, chạy suốt xương da. Không dưng thôi, hơi ngậm ngùi khi thoảng nhận ra có cái gì đó vừa quý, vừa tiếc, vừa rời xa, vừa mong đợi. Tết giống một thứ mật mã mà mỗi khi chạm vào là làm người ta mềm lòng.

Người “mắc kẹt” trong Tết có lẽ là bà cụ già gặp ở sân nắng. Sau một chuyến từ quê lên thành phố thăm con cháu thì dịch tràn tới nên mãi vẫn chưa về được. Cố chịu đựng cho đến lúc bơ hơ nhớ nhà, len lén thấm nỗi nhớ chảy ra thành nước mắt vào chiếc khăn mùi soa, giấu trong túi áo bà ba khắc khoải. Bà cụ, nhơn lúc trời nắng đẹp, bỏ hồn Tết vào mấy sề chuối ép đem ra sân phơi khô. Tự nhiên thôi, thấy cái sề chuối bé bỏng trọn lỏn trong mảnh sân rộng bốn bề (mà cũng hẹp bốn bề). Sề chuối khô có bóng nắng của những ngôi nhà cao tầng, ngạo nghễ mà cô đơn, khác quá trời bóng lá, bóng mây đổ qua sân phơi của căn nhà cũ, nơi bờ rào thưa ở quê xứ. Gió đã cuốn, nước đã chảy, và Tết mắc kẹt trong linh hồn mỏi mòn chờ ngày chạm chân vào đất quê mình. Người ta chỉ có thể bùng cháy lại một lần nữa, xanh non một lần nữa, thơm ngát một lần nữa... trong đất quê hương. Và, làm như là người phải giữ trọng trách, bà cụ già làm một bảo chứng trong lòng: Tết đã là di sản của bà. Bởi vì di sản, nên cách gì cũng phải gìn giữ, để dành, trao tặng.

Vậy nên, cũng dễ hiểu những cuộc quy cố hương như nước chảy về nguồn của người già trẻ bé lớn trong mùa dịch giã vừa rồi. Rùng rùng những cuộc đùm túm, phơi bao nhiêu là lận đận mỏi mòn... để được trở về quê. Quê như một cái neo, để ai đó có lúc rất cần buộc mình vào, lấy ở đó chút sức vững chải và niềm tin. Lúc bứng khỏi đó và rời đi, đâu ai biết mình cũng là một cái cây tự bứng mình ra khỏi đất.

Cuộc về “dựng lại người, dựng lại nhà” rào rạt vừa rồi, bởi nhiều duyên do. Người anh xóm trọ bữa nọ dòm bụi sả trồng tạm trong chiếc thùng xốp nơi đất khách, tự nhiên thấy buồn hiu. Những buổi bó gối ngồi trong căn phòng hẹp, nghe lá sả khua động xạc xào, chẳng liên quan gì nhưng anh cảm thấy mình như bị cứa cho tổn thương. Chỗ bị cứa đó chắc là tim, nên cứ thấy nhói. Vậy đó, rồi thì anh nhận ra mình vốn thuộc về đâu. Ở quê, anh cũng có bà mẹ già, hằng ngày bà đi gieo hạt, trồng trọt phủ khắp khu vườn những cây những trái. Bà mẹ già vừa gieo hạt, vừa gieo cho anh sự tin cậy, rằng, dù gì đi nữa, má vẫn đón con về. Dù gì đi nữa, nhà vẫn là nhà mình, bậc thềm nọ đúng là của mình, mùi hương kia chính xác là gửi cho mình... bao nhiêu thứ đủ cho anh gượng lại, nhìn về phía trước và chuẩn bị cho một mùa tươi mới.

Người trở về quê nhà, ắt hẳn sẽ tự dặn dò rằng mình lại chăm chỉ - trong nếp nhà nhỏ nhoi - ươm lại những hạt mầm, trồng lại cái cây, xây lại chiếc cầu, đắp lại đoạn đê... ngắm chúng lớn lên, ngó chúng vững chãi, để rồi nhớ lại cả một hành trình. Có thể, ở đó, trong hành trình cuộc đời anh hay ai đó vừa trải nghiệm, vẫn còn có đoạn ký ức thê thảm và khủng khiếp, nhưng lúc đó, vẫn may mắn vì còn có tình người với người. Còn niềm tin trong lòng, đủ để nở hoa, đủ để gầy dựng lại. Còn người, nên những cuộc ra đi hay quay lại, là để người thương cuống rún lá nhau, từ khi ai đó chào đời đã được tổ tiên gửi gắm định mệnh của mình trong đất.

Biết rằng, Tết này chắc sẽ khắc khoải hơn rất nhiều những cái Tết đã qua. Sẽ có ai đó không còn về được, để thắp đèn lên, để phủi bụi mờ phủ lên tấm kính ký ức. Căn nhà xưa mái lá cũ chưa kịp nói lời chia biệt với người đi xa, càng chưa chuẩn bị tâm thế cho người không trở lại. Nhưng hẳn là cảm động, bởi bên hiên nhà, một khóm cúc gầy vừa nở. Cây mai rũ lá trước sân cả năm khát nước, cũng nhủ thầm sẽ ráng tự vặn mình cho một mùa bông.

Đôi khi ta chỉ cần những điều rất đỗi bình thường, để tiếp tục sống.

Một cái Tết cũng vậy, chỉ cần ao ước được bình thường, trong vườn cũ, nhà cũ và quê cũ – trong đôi mắt ít nhiều an trú mà nhìn ra thế giới – để người với người còn biết giao duyên, biết yêu thương, tử tế và san sẻ.

Minh Phúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn