Các địa phương chú trọng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư

Cập nhật ngày: 20/01/2022 05:48:02

ĐTO - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh, văn hóa nói chung, văn hóa đọc nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, định hướng xây dựng và phát triển. Qua từng thời kỳ lịch sử, văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lối sống, phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam. Phát biểu tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh những huấn thị đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Văn hóa còn, Dân tộc còn; văn hóa mất, Dân tộc mất”.


Học sinh cấp Tiểu học tham gia đọc sách tại Thư viện lưu động của trường học trên địa bàn huyện Tháp Mười

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Đề án văn hóa đọc, khuyến khích việc học tập suốt đời, nhằm xây dựng văn hóa và con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ thông tin và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đối với mỗi con người, nhu cầu được học tập là nhu cầu chính đáng và rất bức thiết. Việc học không có nghĩa chỉ ở trường lớp mà phải học cả đời, trong đó tự học, tự nghiên cứu là quan trọng nhất và chiếm nhiều thời gian nhất. Đọc chính là phương pháp nhận thức tối ưu có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành nhân cách và tài năng của mỗi cá nhân. Bác Hồ nói: “Đọc được nhiều sách là một việc làm quý”. Người còn nhắc nhở, đọc phải đi đôi với hành, đọc mà không đem ra áp dụng thì chẳng khác nào cái hòm chứa sách. Với ý nghĩa “sách vừa là bạn vừa là thầy”, thì vấn đề phát triển văn hóa đọc luận là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam nói chung, xây dựng văn hóa con người Đồng Tháp nói riêng nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Thời gian qua, Sở VH,TT&DL đã chỉ đạo Thư viện tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, thành phố trên địa bàn triển khai thực hiện Kế hoạch số 91 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, Sở VH,TT&DL phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện đánh giá thực trạng hoạt động lĩnh vực thư viện trên địa bàn tỉnh, đánh giá thuận lợi và hạn chế, đồng thời đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả hoạt động văn hóa đọc. Với mô hình “Thư viện phục vụ cộng đồng thông qua các hoạt động đọc sách tại thiết chế văn hóa cấp xã”, trong năm 2021, Sở VH,TT&DL đã phối hợp trao tặng trên 20 Tủ sách khuyến học, nâng tổng số lên 142 Tủ sách được bố trí đều khắp trên địa bàn.

Mặc dù trước diễn biến khá phức tạp của dịch Covid-19, nhưng bằng sự nỗ lực, chịu khó đổi mới, sáng tạo của các đơn vị, trong đó hoạt động thư viện được bạn đọc gần xa đón nhận thông qua phục vụ kết hợp truyền thống và hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện như: phục vụ tài liệu điện tử trên phần mềm tài liệu số Dspace kịp thời phục vụ Nhân dân, nhất là phục vụ tại các khu cách ly; tổ chức 4 cuộc thi nhằm tuyên truyền phong trào đọc sách trong cộng đồng; thực hiện 13 sản phẩm thông tin chuyên đề, thư mục được chia sẻ đến thư viện cơ sở và phục vụ rộng rãi bạn đọc bằng hình thức trực tuyến (website, zalo, facebook).

Các hoạt động của Thư viện tỉnh hiện nay đã dần thay đổi nhận thức của bạn đọc “Thư viện không chỉ là nơi giữ sách mà là môi trường tự học, tự nghiên cứu bổ ích của mọi tầng lớp Nhân dân”; không chỉ đến thư viện mới sử dụng được dịch vụ thư viện mà thông qua các tiện ích mạng xã hội vẫn có thể sử dụng thư viện nhằm tìm kiếm và khai thác thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi và chính xác. Qua đó, tỷ lệ người dân đọc sách và sử dụng thư viện tăng đều qua các năm.

Đồng thời thông qua việc kết hợp phục vụ trực tiếp và trực tuyến cho thấy, hoạt động đọc sách có vai trò quan trong trong xã hội, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng, làm cho đời sống tinh thần phong phú hơn, nhất là nắm bắt cơ hội cải thiện cuộc sống vật chất. Đó là một trong những cách làm thiết thực, hiệu quả trong xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn