LẤP VÒ

Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương

Cập nhật ngày: 28/10/2021 05:31:03

ĐTO - Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Lấp Vò được chú trọng. Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Trong đó, việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa để phục vụ các nhiệm vụ chính trị mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.


Đòn bánh tét “khổng lồ” đặt trong Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam

Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Lấp Vò như Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã, Nhà văn hóa ấp; Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; hệ thống Nhà truyền thống; Thư viện; Bưu điện Văn hóa; Quảng trường,... được đầu tư xây dựng, hoạt động ngày càng hiệu quả. Trong đó, nhiều Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng được xây dựng theo tiêu chuẩn quy định. Hằng năm, huyện Lấp Vò đều tiến hành rà soát, trùng tu các di tích văn hóa - lịch sử; bảo vệ, phục dựng các giá trị di sản, các lễ hội truyền thống địa phương. Huyện đã lập hồ sơ và được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Cụm di tích: Đình Cai Châu, Đài Chiến sĩ Trận vong và Nhà bia Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ thuộc xã Tân Mỹ; 1 di sản phi vật thể Quốc gia làng nghề dệt chiếu Định An - Định Yên.

Đặc biệt, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào thiết chế văn hóa trên địa bàn. Tiêu biểu là Khu du lịch Văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò) là một quần thể công trình văn hóa - tâm linh phụng thờ các vị tiền nhân đã góp công khai phá vùng đất Nam bộ, trong đó có tổ tiên họ Đặng. Công trình được khởi công vào ngày 30/10/2009 và khánh thành giai đoạn I vào ngày 26/4/2015 với diện tích 5ha. Đến nay, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam được mở rộng hơn 30ha gồm các hạng mục chính như: Đền thờ Nam Phương Linh Từ thờ 128 nhân vật lịch sử có công với đất phương Nam; Đền thờ Đặng tộc; Bảo tàng Nam bộ; các công trình mang ý nghĩa tín ngưỡng - tâm linh và phục vụ tham quan du lịch, vui chơi giải trí...

Vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam tổ chức Lễ tri ân và tưởng nhớ các nhân vật lịch sử đất Phương Nam và giỗ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm (Thủy tổ của họ Đặng Long Hưng) theo nghi thức truyền thống. Mỗi năm, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam đón khoảng 300 ngàn lượt người đến tham quan, trải nghiệm, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 và quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách trong, ngoài tỉnh. Vào tháng 4/2021, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam được công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Khu du lịch Văn hóa Phương Nam cũng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận 2 kỷ lục đối với công trình “Con đường nón lá dài nhất Việt Nam” và “Mô hình Bánh tét chứa số lượng đòn bánh tét nhiều nhất Việt Nam” (2.000 đòn bánh tét nhỏ).

Để xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố và hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Lấp Vò tiếp tục quán triệt sâu rộng nghị quyết của Đảng về chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với không ngừng phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện với những phẩm chất yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ bởi không có thiết chế văn hóa, người dân khó có thể thực hành, trao truyền, hưởng thụ và lan tỏa những giá trị văn hóa trong cộng đồng.

Thiết chế văn hóa phải là những công trình kiên cố mang tính cộng đồng, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ và khát vọng của Nhân dân, tránh đơn điệu hóa một mô hình; đầu tư và phát huy các đình làng đủ điều kiện là thiết chế văn hóa, làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải tiếp tục được quan tâm, đặc biệt chú trọng đến xây dựng, kiện toàn mô hình Trung tâm Văn hóa -Học tập cộng đồng, Nhà văn hóa ấp, tạo không gian, môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, nhân văn. Đồng thời trao quyền và khuyến kích người dân tham gia quản lý cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong sáng tạo, quảng bá văn hóa.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn