Nghĩ về Văn Thánh miếu Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 21/07/2020 09:32:18

Trở lại ngày trước

Năm 1858, Tri phủ Hồ Trọng Đính cùng các vị bô lão, thân hào nhân sĩ ở Cao Lãnh xây cất Văn Thánh miếu nhằm khuyến khích việc học và là nơi sinh hoạt văn đàn của các vị. Điểm xây cất cách trung tâm Cao Lãnh hơn một cây số (nay là điểm Trường Tiểu học Phường 3, thành phố Cao Lãnh).

Thời Nho học còn thịnh, nên thờ chính trong Văn Thánh miếu là Đức Khổng tử (được tôn là Vạn thế sư biểu) cùng tứ vị Á thánh là đệ tử của Khổng tử và các vị Tiền hiền, Hậu tiền. Việc học được phát triển, nhiều vị ở Cao Lãnh thi đỗ đạt cao như Nguyễn Giảng Nguyên (cử nhân),... để sau đó Cao Lãnh được xem là vùng đất có học, “địa linh nhân kiệt”. Theo cụ Huỳnh Kim Thứ, Trần Quang Hạo, Huỳnh Kim Thục kể lại, đến năm 1878 Văn Thánh miếu được trùng tu lại vì xuống cấp. Đến năm 1948, trung đội Thướng giáo phái Hòa Hảo dỡ Văn Thánh miếu lấy gỗ xây đồn. Vì vậy, bàn thờ Khổng tử phải mang gởi vào miếu ông bà chủ chợ Đỗ Công Tường. Đến năm 1965, nhân chuyện chánh quyền cho lấy đất xây dựng Tòa hành chánh tỉnh Kiến Phong (địa điểm UBND tỉnh hiện nay) tạo thành hồ nước, các vị nhân sĩ trí thức ở Cao Lãnh cùng nhau góp của góp công xây dựng mới Văn Thánh miếu cạnh bờ hồ hướng Nam (vị trí hiện nay). Lần xây nầy, vật liệu không phải cây gỗ như xưa mà bằng bê tông cốt thép, mái lợp cũng vậy (sàn bê tông, trên dán giả ngói âm dương), cả mái cổng phía trước cũng như vậy.

Không rõ chính xác lý do gì, công trình đang dang dở phải dừng lại. Có người nói lúc đó (năm 1967, 1968...) quân giải phóng cứ đánh vào nội ô thị xã Cao Lãnh, chiến sự liên tiếp xảy ra, nên việc xây dựng bị đình trệ. Có người cho nguyên nhân là không đủ kinh phí để xây tiếp. Kéo dài cho đến ngày giải phóng 30/4/1975, Văn Thánh miếu Cao Lãnh vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Vì có hồ nước rộng, ăn thông ra sông Cái Sao Thượng bằng hai ngã: Cống Rạch Chùa và Kinh Cầu Dây, nên chánh quyền huyện Cao Lãnh (lúc này từ thị xã xuống thành thị trấn) trưng dụng khu vực Văn Thánh miếu (thường gọi tắt là Văn miếu) cả hồ nước và ngôi Văn miếu làm nơi trú đóng của Phòng Thủy lợi. Sau Phòng Thủy lợi huyện Cao Lãnh dời đi, Văn Miếu bỏ trống, và thị xã Cao Lãnh lấy đó làm cửa hàng ăn uống. Việc sử dụng sai mục đích này, gây phản ứng trong dư luận xã hội, người dân bất bình khi nghe: Đi nhậu ở Văn miếu! Đến năm 1995, sau 5 năm, Thư viện tỉnh từ Sa Đéc dời về Cao Lãnh chưa có chỗ, đã được đưa vào Văn miếu làm trụ sở hoạt động. Dù chưa đúng mục đích của Văn miếu, nhưng là hoạt động văn hóa, nên dư luận tạm đồng tình. Sau đó, có cả cơ quan Hội Khoa học Lịch sử tỉnh về đây, nên hằng ngày bạn đọc, nhứt là học sinh tới đây sinh hoạt. Khu vực Văn miếu khá rộng, nằm giữa bốn con đường Lý Thường Kiệt, Đặng Văn Bình, Ngô Thì Nhậm, Võ Trường Toản được xây dựng thành công viên có tên Công viên Văn miếu. Công viên được mở rộng về hướng Tây Bắc, giáp Kinh Cầu Dây, đường Tôn Đức Thắng và đường 26/3, tạo nên bộ mặt có cảnh quan đẹp, nơi tổ chức các cuộc lễ hội, mừng Xuân mới, nơi tập dưỡng sinh, vui chơi của người lớn và trẻ em. Đây là lá phổi xanh của thành phố.

Rất tiếc, đến năm 2014, Thư viện tỉnh và Hội Khoa học Lịch sử dời về điểm mới, thì Văn miếu bị bỏ trống, ngày càng xuống cấp và là nơi Ban Quản lý công trình công cộng thành phố Cao Lãnh dùng làm chỗ chứa vật liệu của công ty. Dù có đội bảo vệ canh phòng ao cá, công viên cây xanh, song vẫn có những người đến đây sử dụng ma túy, bỏ lại kim tiêm.

Vài cảm nghĩ

Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng văn hóa, xem đó là nền tảng, bản sắc của dân tộc. Trong phạm vi nhỏ, văn hóa ở thành phố Cao Lãnh là nền móng vững chắc để Đảng bộ và chánh quyền tựa vào đó mà xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội; là cơ sở để hoạch định chủ trương, biện pháp đưa thành phố đi lên. Quên văn hóa là mất gốc. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Kinh tế phát triển về nông nghiệp, công nghiệp bằng đất đai, máy móc, công nghệ... giống như nhiều nước, song văn hóa thì chỉ có một, riêng từng nước, từng địa phương. Thành phố Cao Lãnh từ xưa nổi danh là địa linh nhân kiệt, có được công nhận đó chính là do con người qua bao thế hệ nối tiếp nhau làm nên, thành bản sắc riêng trong cái chung của dân tộc. Đình, chùa, miếu mạo... là những nơi ghi đậm dấu ấn bản sắc của dân tộc, thể hiện ở từng vùng miền. Ngày nay, chúng ta có dinh thự, nơi làm việc đồ sộ, tân tiến mới xây khang trang mà lãng quên những công trình ông bà ta để lại là quân mất cội nguồn. Chỉ tập trung cho phát triển tới mà quên nơi ghi dấu tích các danh nhân làm nên lịch sử như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hương, Nguyễn Công Nhàn, Phạm Hữu Lầu, Trần Thị Nhượng, Nguyễn Văn Phối... là ta tự đánh mất mình. Văn Miếu Cao Lãnh bị bỏ phế mấy năm nay (và sẽ kéo dài bao lâu nữa?) là điều đáng tiếc (nếu không nói là đáng trách), là ta tự bỏ quên sức mạnh vô địch của văn hóa, tinh thần.

Đề xuất

Theo ý tôi, cấp tỉnh nên xem Văn miếu Cao Lãnh là công trình trực thuộc tỉnh quản lý (như Gò Tháp, Xẻo Quít, Khu mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc...), có tầm cỡ cấp tỉnh.

Trước đây, tỉnh có nhờ cơ quan nào của thành phố Hồ Chí Minh vẽ bản quy hoạch, xây dựng mới công trình Văn miếu Cao Lãnh. Đến nay, không rõ số phận thiết kế đó ra sao, còn hay không, ở đây? Thực tế, Văn miếu hiện nay đã và đang xuống cấp, nứt nẻ, hư hỏng nhiều, cần có ý kiến qua khảo sát chuyên môn của ngành xây dựng, để lãnh đạo có quyết định trùng tu hay phải xây dựng mới.

Nếu xây mới, ta khó có khả năng phục chế như xưa, vì khó có gỗ tròn, có ngói âm dương. Còn phục hồi cái hiện có cũng khó vững bền lâu dài. Có thể trên nền cũ (diện tích mở rộng thêm) ta xây mới theo dáng xưa bằng vật liệu bây giờ. Nên lấy ý kiến Nhân dân về bản vẽ. Cấp tỉnh (cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đứng ra xây dựng và quản lý về sau. Để khỏi có bộ máy thường trực, nơi đây nên đưa Hội Khuyến học và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh về ở làm việc hai bên, vừa trông nom nhang khói, đón khách, thuyết minh. Giữ vệ sinh giao cho Ban Quản lý công trình công cộng thành phố. Gian chính thờ phượng ngoài khánh thờ Khổng tử (đang tạm để ở đền thờ ông bà Đỗ Công Tường), nên thêm các danh nhân văn hóa Việt Nam (như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Chu Văn An...). Phía trước có bảng vàng ghi họ tên các vị đỗ đạt cao (Tiến sĩ trở lên) ở tỉnh nhà. Nơi đây, thường làm điểm vinh danh, khen thưởng những người đỗ đạt cao, giáo viên dạy giỏi, học sinh, sinh viên học giỏi, tặng học bổng, tặng quà cho sinh viên, học sinh có khó khăn, nơi phát động khuyến học, thi tìm hiểu lịch sử...

Tóm lại, Văn miếu là nơi ôn cố tri tâm, nơi ươm giống và phát triển nhân tài cho tỉnh nhà, cho dân tộc ta. Văn miếu thể hiện bộ mặt bản sắc văn hóa của tỉnh ta và là nơi sinh hoạt văn hóa ngày nay và mai sau...

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn