Nhà văn Nguyễn Phước Thảo và tác phẩm mới nhất

Cập nhật ngày: 14/12/2021 10:25:34

Đó là tập truyện ngắn “Sắc không” vừa in trong tháng 11/2021, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp phối hợp xuất bản. Sách dày 332 trang khổ 14,5 x 20,5cm, gồm 12 truyện ngắn được chọn từ các tác phẩm viết trong khoảng thời gian hơn 30 năm (1986 - 2017) của Nguyễn Phước Thảo.

Nguyễn Phước Thảo là 1 trong 4 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Tháp hiện nay (cùng Thai Sắc, Hữu Nhân, Phạm Thị Toán). Nhắc đến Nguyễn Phước Thảo, độc giả nói chung và giới văn nghệ nói riêng, sẽ nhắc đến một cây bút văn xuôi sung sức, không chỉ ở Đồng Tháp mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong cuộc thi truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp đăng cai và tổng kết tháng 12/2019, Nguyễn Phước Thảo đã đạt giải Nhất với truyện ngắn “Căn cơ” (được tuyển in vào tập sách này). Những cuốn sách xuất bản trước đây của Nguyễn Phước Thảo (Em và ký túc xá của tôi; Kẻ di trú đi tìm chất xám; Cho một tình bạn; Những thiên thần xanh; Tôi và các siêu sao; Vượt long môn; Miền xanh), thiên về thể loại truyện dài (tiểu thuyết) và hầu hết đã được chuyển thể thành phim truyện nhiều tập. “Sắc không” chính là tập truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Phước Thảo.

Phong cách rõ nhất của Nguyễn Phước Thảo trong “Sắc không”, là truyện ngắn của anh thường có dung lượng câu chữ khá dài, thậm chí rất dài (“Căn cơ” dài 94 trang; ngắn nhất là “Tiếp bước” cũng đến 14 trang). Nhiều lần, Nguyễn Phước Thảo nói rằng, anh muốn viết ngắn mà không được, đây như là một thói quen nghề nghiệp, hơn thế, một phong cách văn chương. Nhìn một cách hình thức, có thể nhiều người sẽ rất ngại đọc những truyện ngắn “trường thiên” như thế, trong thời đại công nghệ - thông tin và số hóa như hiện nay. Điều lạ là, truyện ngắn của Nguyễn Phước Thảo dường như đi ngược lại thói quen mang tính thời đại nêu trên, đã đọc là cuốn hút một mạch, khó dứt ra. Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn đó? Sau đây là một vài đánh giá, nhận xét bước đầu:

Đọc “Sắc không” nói riêng, các tác phẩm khác của Nguyễn Phước Thảo nói chung, độc giả sẽ được đắm mình vào một thế giới phong phú, đa dạng, giằng níu, đan xen nhiều mối quan hệ giữa người với người, giữa các không gian, thời gian nghệ thuật khác nhau, giữa các hệ phái tư tưởng, tôn giáo khác nhau... làm nên một hiện thực cuộc sống vừa cụ thể, vừa phiêu linh, tưởng như trong đó bao giờ cũng có mình xuất hiện, can dự vào. Tiêu biểu nhất về điều này, phải kể đến các truyện ngắn “Căn cơ”; “Huyền cơ”; “Tình yêu như viên kẹo ngọt”... Trong “Căn cơ”, người đọc không chỉ được hòa mình vào một vùng quê với bát ngát ruộng đồng, kinh rạch, với bầy trâu và lũ trẻ chăn trâu, với ngôi chùa cổ huyền bí... đẹp hơn cả những bức ảnh nghệ thuật của nhân vật “nàng” trong truyện, mà còn được sống với chốn thị thành đô hội cùng biết bao chộn rộn, mưu toan, nhất của giới văn nghệ. Trong “Căn cơ”, độc giả không chỉ bị cuốn hút bởi mối tình lạ mà đẹp của nhân vật trung tâm - Đông Phúc hay họa sĩ Tiểu Mộc (kẻ bị phụ tình nhưng lại được ban mối tình mới rất đẹp) với nhân vật “nàng”có vẻ huyền bí trong truyện, mà còn hồi hộp theo dõi những mưu mô, toan tính xuất hiện từ hiện thực cuộc sống, nhất là ở nông thôn, tiêu biểu là vấn đề tranh chấp đất đai thường xuyên diễn ra một cách nóng bỏng, từ một số nhân vật, trong đó tiêu biểu là nhân vật lão Ba... Ý tưởng sâu xa của truyện ngắn này được nêu ra ngay chính cái tên “Căn cơ”. Đây là một từ ghép Hán Việt (“căn”: gốc, nguồn; “cơ”: nền, móng; “căn cơ”: nền tảng, gốc gác, nguồn gốc...) và là khái niệm được dùng nhiều trong thuyết lý Phật giáo (cùng hệ thống ngữ nghĩa với các khái niệm “căn tu”; “nhân duyên”...), nhằm để biểu đạt ngữ nghĩa: người có “căn cơ” là người đã đạt đến những phẩm chất cơ bản, quan trọng tốt đẹp nhất của giáo lý nhà Phật. Những phẩm chất đó cũng chính là những phẩm chất mà con người (có đạo và không đạo) mãi hướng tới và mong đạt được. Các truyện ngắn khác trong tập của Nguyễn Phước Thảo, hầu hết cũng đều nhắm đến và bộc lộ chủ đề tư tưởng này.

Hơi hướng Phật giáo khá đậm trong truyện ngắn của Nguyễn Phước Thảo. Chỉ mới nêu tên các truyện thôi, cũng đã có 4/12 ghi rõ ý tưởng này: “Căn cơ”; “Hội ngộ”; “Huyền cơ”; “Sắc không”. Còn đi vào nội dung các tác phẩm, sắc thái này xuất hiện không ít, thậm chí trong một vài truyện, như truyện lấy làm tên chung cả tập chẳng hạn, màu Phật rất đậm đặc. Tuy nhiên, đọc xong, người đọc hoàn toàn không thấy tác giả là phát ngôn viên, cổ súy cho Phật giáo một cách mông muội. Điều nhận ra ở đây là, những nguyên lý và phẩm chất tốt đẹp và thiện lành của Phật giáo mới được nhà văn tôn vinh, đề cao và truyền lưu như là một nguyên tắc sáng tác và những ý tưởng nhân văn cao cả cần chuyển tải của anh.

Cách kể (phong cách tự sự) của Nguyễn Phước Thảo, dù sử dụng ngôn ngữ khá chuẩn, tinh, đẹp, vẫn rờ rỡ sắc thái khẩu ngữ, đời thường. Nhiều chỗ, cách kể ấy xuất hiện một cách tưng tửng, khiến ai cũng thấy gần gũi, như là mình đang tham gia vào đó. Nhất là lối văn đàm thoại của anh, thường ít từ ngữ, cô đọng, như vốn vậy ở ngoài đời. Ở một khía cạnh khác, giọng văn của Nguyễn Phước Thảo rất gần với giới trẻ và tuổi thơ. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam qua ngạch cửa văn học thiếu nhi không chỉ bằng các tác phẩm về thiếu nhi mà một phần nhờ giọng văn này. Vốn sống của Nguyễn Phước Thảo, không chỉ ở vùng quê, ở nông thôn, với ruộng đồng, kinh rạch, với nhà nông và lũ trẻ chăn trâu... mà cả ở phố thị, với sự ồn ào huyên náo vốn có, với giảng đường đại học, với giới văn nghệ sĩ... Vốn sống phong phú, đa dạng đó đã tạo nên một giọng văn tinh tế nhưng không kém phần ngang tàng, phóng túng, rất riêng, rất đặc sản của Nguyễn Phước Thảo.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn