Nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa được tổ chức có chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 14/07/2022 05:49:29

ĐTO - Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh được tổ chức lại theo trạng thái bình thường mới. Nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức có chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh Đất Sen hồng; đồng thời xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn.


Hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh được tổ chức gắn với tạo dựng hình ảnh Đất Sen hồng

Trong 6 tháng đầu năm, các bộ phận chuyên môn thuộc Sở VH,TT&DL tỉnh dàn dựng 6 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và 1 vở cải lương phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân vào các dịp ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Dàn dựng 21 chương trình nghệ thuật quần chúng được biểu diễn thu hút khoảng 30.000 lượt người đến xem, tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với quần chúng nhân dân đến xem và cổ vũ.

Đặc biệt, từ ngày 14 - 16/4/2022, tại Khu di tích Gò Tháp, xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười), Sở VH,TT&DL tỉnh tổ chức Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Gò Tháp mang đậm tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống kết hợp hàng loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí... Mỗi năm, tại Khu di tích Gò Tháp có các lễ hội truyền thống gồm: Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Gò Tháp và Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (vào ngày rằm tháng 11 âm lịch). Lễ hội Vía bà Chúa xứ Gò Tháp năm 2022 với phần lễ và phần hội thu hút hàng chục ngàn người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia. Thông qua lễ hội góp phần kích hoạt lại hoạt động du lịch của địa phương.

Tỉnh tham gia Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử, triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III được tổ chức tại TP Cần Thơ. Đồng thời tham gia Hội thi múa không chuyên toàn quốc do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) tổ chức tại tỉnh An Giang. Kết quả, tỉnh Đồng Tháp đạt 2 HCV, 7 HCB. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo truyền tải đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh.

Hoạt động thư viện được quan tâm thực hiện, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. Nổi bật, chương trình Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất tỉnh Đồng Tháp năm 2022 với nhiều hoạt động diễn ra xuyên suốt, đa dạng, phong phú và mới lạ như: giới thiệu sách qua website, kênh youtube, fanpage Thư viện tỉnh; phục vụ tài liệu số trên phần mềm Dspace;... góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được quan tâm, từ các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa để triển khai chống xuống cấp, trùng tu, quy hoạch, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Liên quan đến di sản văn hóa vật thể, Sở VH,TT&DL tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Quy chế quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hồ sơ thủ tục tu bổ, chống xuống cấp nhiều di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, di tích lịch sử cách mạng như: chùa Kiến An Cung, đình Định Yên, nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận; Bia – phù điêu ghi dấu sự kiện chống lấn chiếm Vàm Xáng... trên địa bàn tỉnh. Triển khai khai quật khảo cổ, nghiên cứu tổng thể phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới đối với văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp giai đoạn 2022 - 2023. Xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày về Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, toàn tỉnh có 23 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê gồm các loại hình: Ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. Đặc biệt, tỉnh có 1 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đó là Nghệ thuật đờn ca tài tử; 3 di sản văn hóa được đưa vào danh mục Quốc gia (nghề dệt chiếu thủ công truyền thống xã Định An và Định Yên, huyện Lấp Vò; nghề đóng xuồng ghe tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung; hò Đồng Tháp). Hiện nay, tỉnh đang thực hiện 3 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có 2 hồ sơ loại hình làng nghề truyền thống, 1 hồ sơ loại hình lễ hội truyền thống.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn