Tấm lòng người dân hướng về lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường

Cập nhật ngày: 06/07/2022 10:17:14

ĐTO - Những ngày đầu tháng 7/2022, Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (Phường 2, TP Cao Lãnh) lại đón dòng người nhộn nhịp từ khắp nơi về tề tựu, bày tỏ lòng tôn kính, ghi nhớ công ơn về tấm gương đạo đức của ông, bà đã có công khai khẩn đất hoang, cưu mang giúp đỡ người dân. Nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của bậc tiền nhân, giữ gìn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống, từ ngày 5/7 - 8/7, UBND TP Cao Lãnh cùng với các ngành liên quan phối hợp tổ chức các hoạt động lễ giỗ gắn với chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian.


Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (Phường 2, TP Cao Lãnh)

Tấm lòng tri ân tôn kính

Mỗi năm, đến dịp lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường, tất cả thành viên trong Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường đều tập trung thực hiện công tác chuẩn bị như cờ, phướn, đèn lồng trang trí phía trước, bên trong khuôn viên đền thờ; chuẩn bị các khâu hậu cần để đón tiếp người dân. Ban Tế tự Đền thờ cùng với người dân còn chuẩn bị tiếp nhận nguyên liệu ủng hộ, nấu các món ăn chay phục vụ bà con đến dâng hương, cúng viếng trong các ngày diễn ra lễ giỗ. Với tấm lòng tưởng nhớ công ơn của ông, bà Đỗ Công Tường, nhiều người dân từ khắp nơi, dù không phải thành viên Ban Tế tự cũng tích cực tham gia hỗ trợ công tác chuẩn bị lễ giỗ để đón tiếp du khách hành hương.


Thành viên Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường chuẩn bị các phần gạo do mạnh thường quân đóng góp để tặng cho người nghèo dịp lễ giỗ

Năm nay, lễ giỗ được tổ chức với quy mô lớn nên dự báo người dân từ khắp nơi đến viếng sẽ rất đông, vì vậy, công tác chuẩn bị được Ban Tế tự triển khai, thực hiện sớm hơn mọi năm. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường cho biết: “Hàng năm, lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường được UBND TP Cao Lãnh quan tâm tổ chức chu đáo, trang trọng, thu hút đông đảo bà con trong, ngoài tỉnh đến cúng viếng, tỏ lòng biết ơn công đức của ông, bà. Năm nay, lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 202 gắn với Lễ hội Xoài, nên có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Điều này rất phấn khởi, không chỉ làm nổi bật quy mô của lễ giỗ, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, du lịch tâm linh của địa phương đến với bà con, du khách...”.

Với những người dân Đồng Tháp, lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường mỗi năm đã trở nên rất gần gũi trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, đến hẹn lại lên, cứ đến ngày mùng 6, mùng 7 tháng 6 âm lịch, người dân lại thu xếp công việc đến cùng với các thành viên trong Ban Tế tự dọn dẹp, trang trí khuôn viên, tham gia đứng bếp nấu ăn phục vụ du khách phương xa đến viếng. Gia đình chị Trần Thị Ngọc Thu ngụ đường Lê Lợi, Phường 2, TP Cao Lãnh cho biết: “Năm nào cũng vậy, lễ giỗ ông, bà được người dân ở chợ Cao Lãnh nhớ rất rõ. Đối với gia đình tôi, cứ đến ngày này, các thành viên trong nhà lại sắp xếp cùng nhau đến Đền thờ ông, bà để thắp hương, cầu mong mọi việc thuận lợi, bình an. Năm nay, nghe nói lễ giỗ có nhiều chương trình hay, hấp dẫn nên ai cũng trông đợi...”.


Công viên Hai Bà Trưng, Phường 2, TP Cao Lãnh với các tiểu cảnh được trang trí phục vụ lễ giỗ

Hơn chục năm nay, mỗi khi đền thờ đến dịp lễ giỗ ông, bà. Cô Nguyễn Thị Nhật Lệ ngụ Phường 4, TP Cao Lãnh đều đến để làm các việc hậu cần trước 1 tuần, Cô Nhật Lệ cho biết: “Tưởng nhớ công đức của ông, bà chủ chợ, hàng năm, đến dịp lễ giỗ, tôi đều thu xếp việc nhà, cùng với các thành viên Ban Tế tự Đền thờ làm các công việc như: dọn dẹp vệ sinh, rửa chén... Tôi xem đây là công việc để trả ơn ông, bà và cũng là cầu an cho gia đình, người thân, mọi người nhiều sức khỏe, tỉnh nhà và cả nước bình an, phát triển...”.

Nhiều chuỗi sự kiện hấp dẫn

Theo UBND TP Cao Lãnh, sự kiện chính trong lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường sẽ diễn ra tại Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông, bà, trên tuyến đường Lê Lợi, công viên Hai Bà Trưng và các tuyến đường Nguyễn Thái Học (đoạn Phạm Hữu Lầu - Nguyễn Bỉnh Khiêm)... UBND thành phố đã giao các đơn vị trực thuộc và các đơn vị phối hợp triển khai các hoạt động chỉnh trang đô thị, trang trí cờ phướn trên các tuyến đường chính trong khu vực nội ô thành phố. Tại Công viên Hai Bà Trưng, các ngành liên quan đã phối hợp thực hiện đồng loạt các hoạt động trang trí cây xanh, cắt tỉa, dọn vệ sinh, bố trí các tiểu cảnh. Đặc biệt, chương trình lễ sẽ diễn ra trang trọng gồm: lễ cáo hoàng thiên, lễ nghinh sắc, ngoài ra còn thực hiện sân khấu hóa tái hiện công lao của ông, bà Đỗ Công Tường. Tại Công viên Hai Bà Trưng và các địa điểm xung quanh Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường còn có các hoạt động như: lễ hội bánh dân gian, nghệ thuật đường phố; các tiết mục biểu diễn lân sư rồng, ảo thuật; giao lưu văn nghệ, biểu diễn thời trang và các môn thể thao dân tộc...


Người dân từ nhiều nơi đến tham gia khâu chuẩn bị hậu cần tại lễ giỗ

Cũng theo UBND TP Cao Lãnh, tính đến thời điểm hiện tại, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân tộc hưởng ứng lễ giỗ ông, bà đã theo khung hoạt động chương trình tổng thể. Các hoạt động được diễn ra xuyên suốt và hoạt động theo khung thời gian. Đối với các hoạt động diễn ra xuyên suốt thì người dân có thể tham quan, chụp ảnh trải nghiệm tất cả các ngày trong sự kiện, còn đối với các hoạt động diễn ra theo khung giờ sẽ được tổ chức theo đúng thời gian, địa điểm chương trình khung.

Đề cập đến những nét nổi bật tại lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường, bà Lê Thị Mai Trinh - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh cho biết: “Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 202 năm nay, không chỉ là sự kiện thường niên của thành phố, dịp này, 2 xã Tân Thuận Tây và xã Tịnh Thới vinh dự đón nhận kết quả công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong thời điểm diễn ra lễ giỗ, UBND thành phố còn tổ chức hoạt động khu ẩm thực chợ Đèn Dầu; khánh thành cầu Đỗ Công Tường, cầu Nguyễn Bỉnh Khiêm, trang trí không gian tuyến phố đi bộ và kết nối Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch của thành phố nhằm tạo các hoạt động vui chơi, giải trí phong phú phục vụ người dân trong, ngoài tỉnh...”.


Khu ẩm thực chợ Đèn Dầu, Phường 2, thành phố Cao Lãnh được bày trí phục vụ lễ giỗ

Để góp phần làm cho lễ giỗ được thành công tốt đẹp, UBND TP Cao Lãnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19, an toàn thực phẩm cho du khách và người dân trong suốt những ngày diễn ra lễ giỗ. Có thể nói, sự kiện lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường là một sự kiện văn hóa - lịch sử thể hiện sự nhớ ơn những bậc tiền nhân đã khai khẩn đất hoang và cưu mang, giúp đỡ người dân. Thông qua lễ giỗ, còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật góp phần quảng bá hình ảnh TP Cao Lãnh đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Là cơ hội để người dân TP Cao Lãnh thể hiện sự niềm nở, nhân hậu, chân tình, mến khách đến với du khách gần xa.

Theo tài liệu ghi chép, dưới triều vua Gia Long, năm Đinh Sửu (1817), ông, bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến Tường thuộc tỉnh Định Tường; gia tư khá, tánh tình cương trực, nên ông được dân làng cử giữ chức Câu đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng. Đất hoang khẩn được, ông, bà tạo lập một vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm, nơi đây thuận chỗ nên dân trong làng tập trung để mua bán và ông, bà cho dựng chòi bằng tre lá thành cái chợ. Qua vài năm, chợ trở nên thịnh, người gọi là chợ Vườn Quýt, có người gọi là chợ Ông Câu hoặc Câu Lãnh... thu hút người buôn bán gần xa.

Năm Canh Thìn (1820), xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông, bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, ông bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 - 9/6 (âm lịch) thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10/6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng từ từ lui. Nhớ ơn ông, bà, dân làng lập miếu phụng thờ, lấy ngày mùng 9 -10/6 làm ngày giỗ của ông, bà; Triều đình Huế sắc phong ông là thần. Tên Câu Lãnh được gọi trại thành Cao Lãnh, ngày nay là tên chợ, tên một thành phố và một huyện của tỉnh Đồng Tháp. Ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

NHÓM PV CT-XH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn