Về 5 tác phẩm văn nghệ dân gian mới nhất

Cập nhật ngày: 07/06/2021 09:57:37

Lần đầu tiên, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp chủ trương xuất bản tác phẩm riêng cho hội viên thuộc chuyên ngành văn nghệ dân gian (VNDG) - điều từ trước đến nay chưa thực hiện. Trong khoảng hơn 3 năm (2018 - 2020), đã có 5 tác phẩm biên khảo, tạp văn về VNDG ra đời. Một thông số ra sách hàng đầu trong các tỉnh, thành có chuyên ngành VNDG khắp cả nước. Đây cũng là tín hiệu mang phẩm chất khai sơn phá thạch, rất đáng mừng đối với một chuyên ngành văn học - nghệ thuật trẻ trung và mới mẻ của miền Đất Sen hồng.

Đầu tiên là cuốn biên khảo Nhân thần trong tín ngưỡng dân gian Đồng Tháp của nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Thanh Thuận, gồm 156 trang, xuất bản tháng 7/2018. Như một tín ngưỡng thiêng liêng, từ xa xưa đến giờ, ai trong chúng ta cũng đã nghe, đã biết, đã thờ phụng thiên thần, địa thần, thủy thần, nhân thần... Đó là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Á Đông, của người Việt nói chung cũng như của người Đồng Tháp nói riêng. Xét riêng về tục thờ nhân thần ở Đồng Tháp thì tập biên khảo này của Nguyễn Thanh Thuận là cuốn sách đầu tiên, tập trung sưu tầm, thống kê, miêu tả, nhận xét, bàn luận... về tín ngưỡng này. Qua tác phẩm, người đọc chắc chắn sẽ biết được ít nhiều hệ thống nhân thần ở Đồng Tháp được dân gian thờ phụng như: thờ hoàng đế - quốc vương thủy thổ; thờ các bậc công thần triều Nguyễn; thờ trăm quan cựu thần; thờ anh hùng dân tộc; thờ tiền hiền - hậu hiền; thờ tiên sư - tổ nghề; thờ chiến sĩ trận vong - đồng bào tử nạn; thờ các bà, các cô hiển linh... Cũng qua tác phẩm này, độc giả và người nghiên cứu VNDG cũng tìm thấy ở đó một số hoạt động tín ngưỡng như: nghi thức tế tự nhân thần nói chung; các hoạt động tín ngưỡng dân gian bổ trợ; sắc phong thần của triều đình nhà Nguyễn; một số bản văn tế nhân thần; một số địa chỉ và hình ảnh về cơ sở thờ tự nhân thần ở Đồng Tháp... Sách viết về Đồng Tháp nhưng cũng là viết về cả vùng đất Nam bộ - cái riêng nằm trong cái chung, đến một miền đất gặp cả trăm miền. Một cuốn sách đầu tay nhưng rất chững chạc của NNC sinh năm 1989, hội viên Hội VNDG Việt Nam.

Gà nòi Cao Lãnh là tập truyện dân gian của tác giả Hồ Trần Hiệp. Sách dày 248 trang, xuất bản tháng 7/2019. Tập truyện in xong, tác giả chưa kịp cầm nóng tay thì lâm trọng bệnh và đột ngột qua đời. Vừa mừng vừa buồn. Mười hai truyện dân gian của Gà nòi Cao Lãnh được tác giả sưu tầm chủ yếu tại nơi chôn rau cắt rốn của mình - làng Tịnh Thới. Theo lời tác giả thì đây chỉ là một chút xíu trong kho bản thảo đồ sộ mà ông đã ki kóp, góp nhặt từ trong dân gian và lưu lại suốt một đời. Có những mô - típ, người đọc đã từng gặp trong hệ thống truyện dân gian Việt Nam, nhất là trong truyền thuyết và cổ tích như: rắn tu; cọp trả ơn; chồn có chồng người... Tuy nhiên, khi xuất hiện trong Gà nòi Cao Lãnh của Hồ Trần Hiệp thì nó hoàn toàn mang bản sắc riêng. Chưa nói đến những truyện rặt chất Cao Lãnh, chất Đồng Tháp như truyện lấy làm tên chung cho cả tập hay các truyện: Con trời đánh; Biến nhà thành chùa... Truyện dân gian của Hồ Trần Hiệp phảng phất phong cách truyện ngắn hiện đại, dù trong đó, các chi tiết huyền ảo, huyễn tưởng xuất hiện khá dày đặc. Vả chăng, đây chính là một phong cách kể chuyện dân gian rất riêng của ông. Tiếc rằng, chúng ta không còn được đọc các tác phẩm tiếp theo của Hồ Trần Hiệp...

NNC Nhất Thống (tên thật là Nguyễn Nhất Thống) - hội viên Hội VNDG Việt Nam - đã in ấn 3 đầu sách riêng, nhưng Đôi nét văn hóa - lịch sử một vùng đất là cuốn đầu tiên được Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp đầu tư trọn gói kinh phí xuất bản. Đây là tập tạp văn, dày 156 trang, ra mắt tháng 11/2019, gồm 30 bài viết ngắn. Đậm nét nhất trong tác phẩm là những ghi chép và luận giải về phong tục đón Tết Nguyên đán của miệt Sa Đéc, của Đồng Tháp, rộng ra chút là cả vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Chưng bông ngày Tết; Lời chúc ngày Tết; Lời khấn ngày xuân; Quết bánh phồng ăn Tết; Câu đối bàn thờ gia tiên... Ngoài ra, qua tác phẩm này, người đọc còn gặp chân dung một số danh nhân của địa phương như: Quan lớn Sen (Sa Đéc); Ông bác vật Lang - Sa Đéc; Ông Sa Giang, ông Bích Chi... qua sự đặc tả tuy ngắn gọn nhưng rất rõ nét của Nhất Thống. Tập tạp văn còn đề cập đến một số địa chỉ văn hóa - lịch sử khác của Đồng Tháp, rất đáng để tham khảo.

Không quá cực đoan khi cho rằng, hình ảnh đình làng Nam bộ và tục thờ Thần Nông - nhìn từ Đồng Tháp đã lần đầu tiên xuất hiện trên hệ thống biên khảo về VNDG của nước ta, thông qua cuốn sách cùng tên nói trên của hai tác giả Nguyễn Hữu Hiếu và Lê Thành Thuận (sách dày 186 trang, xuất bản tháng 6/2020). NNC. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp là một cây bút lão thành với gần 50 đầu sách đã xuất bản. Nhưng đây là tác phẩm cuối cùng của một chuyên gia tài năng và giàu tâm huyết với lĩnh vực VNDG (ông bị trọng bệnh và qua đời đầu năm 2021). Còn với NNC trẻ, hội viên Hội VNDG Việt Nam - Lê Thành Thuận (sinh năm 1986) thì đây là tác phẩm đầu tay. Nội dung cuốn sách giúp người đọc tiếp cận và nắm bắt một cách cụ thể quá trình hình thành đình làng ở Việt Nam cũng như ở Nam bộ; hiểu thế nào là tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng, hệ thống thần linh và nghi thức cúng tế ở đình làng Nam bộ. Trong sách cũng đề cập đến vấn đề cơ cấu hội đồng hương chức qua các thời kỳ lịch sử và mô hình đề xuất. Đặc biệt, đây là một tác phẩm biên khảo về tục thờ Thần Nông ở Đồng Tháp một cách khá toàn diện, đầy đủ, tỉ mỉ, rất đáng lấy làm tư liệu tin cậy khi nghiên cứu về lĩnh vực này.

Tháng 10/2020, tập tạp văn Góp nhặt dòng sông của tác giả Lê Kim Hoàng ra mắt độc giả. Đây là cuốn sách tập hợp, chọn lọc những bài viết về VNDG và văn hóa nói chung từ năm 1997 đến nay của ông. Lê Kim Hoàng đã in riêng và chung gần 10 đầu sách, nhưng đây là tác phẩm đầu tiên được nhận kinh phí đầu tư xuất bản của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp. Góp nhặt dòng sông là một cách gọi mang tính ẩn dụ và thấm đẫm chất thơ. Nếu coi văn hóa, lịch sử, cuộc đời... như một dòng sông không ngừng dạt dào xuôi chảy về biển lớn vĩnh hằng thì những câu chuyện, sự tích, địa danh, nghề nghiệp, tên người, tên đặc sản... được Lê Kim Hoàng đề cập trong 21 bài viết ở đây như là những khúc quanh, những chi lưu, những bến bờ, những cồn bãi, những vàm lạch... ghi dấu biết bao buồn vui, thăng trầm, bồi lở... của dòng sông đó. Những gì Lê Kim Hoàng đi, tiếp xúc, lựa chọn, thu vén và ghi lại trong Góp nhặt dòng sông là cực kỳ quý báu. Nó giúp những người đương thời và nhất là lớp hậu thế, mãi mãi không lãng quên, dù chỉ là một chấm nhỏ nào đó trên dòng sông đời cuồn cuộn trôi.

Tất cả 5 cuốn sách đều được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp quyết định xuất bản và đều in với khổ sách thông dụng: 14x20,5cm. Hy vọng, sau mùa bội thu này, những cuốn sách về VNDG ở Đồng Tháp tiếp tục được xuất hiện với số lượng và chất lượng tốt hơn.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn