“Vũ khúc sen” của miền Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 06/06/2023 05:11:43

ĐTO - Đây là tuyển tập thơ gồm những bài thơ chỉ viết về cây sen và bông sen, gắn với miền Đất Sen hồng, dường như lần đầu tiên xuất hiện, không chỉ ở địa phương này mà còn là ở cả vùng, cả nước. Cuốn sách gồm 133 bài thơ của 87 tác giả ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Tuy số lượng được tuyển in của các tác giả có khác nhau (nhiều nhất là 5 bài thơ, còn lại, đa số là 1 - 2 bài), song, chất lượng của mỗi đơn vị tác phẩm đều bộc lộ cái hay riêng, có sự bổ sung, tôn vẻ đẹp cho nhau. Ngay trong một tác giả được tuyển chọn nhiều tác phẩm thì mỗi bài thơ cũng thể hiện cái đẹp riêng, khó lẫn với các bài khác. Điều này, đã góp phần làm nên một “vũ khúc sen” không thể hoàn hảo hơn. Tuyển tập thơ xứng đáng là một món quà đích thực, thấm đẫm chất thơ.

 Ca ngợi bông sen thì câu ca dao vang bóng: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ” tương truyền là do nhà thơ Bảo Định Giang khởi xướng đã là vô cùng hàm súc, sâu sắc, thiết nghĩ, cũng không cần bàn thêm, triển khai thêm điều gì, ở phương diện khái quát, tổng thể. Tuy nhiên, mỗi nhà thơ, mỗi người cầm bút, ở những thời điểm và thời gian cụ thể, bao giờ cũng có những tiếp cận và khai thác riêng về “vũ đạo” độc đáo, mang tính biểu trưng, biểu tượng của bông sen, trên nhiều khía cạnh khác nhau. Chính vì thế mà thơ viết về cây sen và bông sen, theo dòng chảy, cứ tiếp tục ra đời. Chính vì thế mà tuyển tập thơ về sen này xuất hiện...

Về phương diện nội dung của “Vũ khúc sen”, có thể đánh giá một cách khái quát, ít nhất trên hai phương diện: 1. Ngợi ca, tôn vinh cây sen, bông sen trong những phẩm chất nội tại vô cùng đẹp đẽ và thanh cao (“Thanh cao sao một màu hoa/Đỏ hồng nhan sắc như là giai nhân” - Trần Ngọc Hưởng; “Trăng vẫn sáng trên đầu vằng vặc/Sen vẫn thơm ngan ngát bên trời/Máu vẫn đỏ trong tim từng nhịp đập/Gò Tháp hiện về ấm mãi những vành nôi” - Phùng Văn Khai...); 2. Qua hình tượng bông sen mà ngợi ca, tôn vinh đất và người Đồng Tháp nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung (“Tháp Mười ân nghĩa cao dày/Hoa sen khoe sắc nở đầy khắp nơi” - Hữu Nhân; “Phố quen rạng sắc sen ngời/Mùa xuân về đắm nụ cười của em” - Thanh Sen...)...

Về phương diện nghệ thuật và hình thức thể hiện, xin nêu hai nét nổi bật: 1. Thơ lục bát truyền thống Việt Nam được vận dụng khá nhiều (54 bài), như là một thể loại chủ lực và đặc trưng khi viết về cây sen, bông sen, trong những tín hiệu cách tân hài hòa, nhuần nhuyễn (“Tự xa xưa phía Tháp Mười/Sen dâng hồn hậu nụ cười gái quê/Giữa chênh vênh những đi về/Vẫn neo chặt cõi đam mê đất hiền” - Thai Sắc; “Én về rợp khúc xuân chơi/Sau sen rực... còn phận đời tha hương” - Lê Tấn Vũ...); 2. Hầu hết các bài thơ trong tuyển tập đều chọn cách tiếp cận và thể hiện một cách dung dị, chân chất vẻ đẹp của sen, của đất và người xứ sen  (hoàn toàn không xuất hiện cách diễn đạt theo lối “cách tân” theo các trường phái thơ đang ồn ào), cũng như sử dụng các biện pháp tu từ tiếng Việt một cách chừng mực, đích đáng (“Ngắm sen Đồng Tháp qua cảm quan người nghệ sĩ/Ngỡ ngàng sen/Biết là yêu nông cạn” - Bùi Kim Anh; “Khi rời quê tôi mới hiểu được lòng bùn/Thật sạch trong mới sinh ra những đóa sen tinh khiết” - Trịnh Bửu Hoài...)...

Để “công trình thơ về sen” này ra đời, ngoài nỗ lực của những người biên soạn, biên tập, còn có sự góp mặt đông đảo và nhiệt tình của các tác giả từ Nam chí Bắc. Tuy nhiên, có thể khâu biên soạn, biên tập vẫn chưa thể chỉn chu, hoàn thiện. Cũng như vậy, nhiều tác giả, vì những lý do nào đó, vẫn chưa có mặt trong tuyển tập thơ này. Chắc chắn, tất cả những khiếm khuyết ấy sẽ được chỉnh sửa, bổ sung trong lần tái bản gần nhất.

Tin rằng, người đọc sẽ có những cảm nhận riêng sâu sắc khi cầm trên tay và đọc hết những tác phẩm trong “Vũ khúc sen”. Những nét chấm phá mang tính giới thiệu trên đây chỉ như chút ít khơi gợi. Hy vọng, thơ về sen ở miền Đất Sen hồng mãi lung linh như những đóa sen...

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn