“Khổ” như dân xóm tái chế bọc nilon

Cập nhật ngày: 15/07/2013 04:05:37

Khổ như dân xóm tái chế bọc nilon” đó là câu nói “cửa miệng” của nhiều người dân, ở ấp Trung, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình. Họ không phải khổ do việc thiếu tiền, thiếu bạc mà khổ vì phải sống và chịu đựng ô nhiễm do các cơ sở tái chế bọc nilon xung quanh gây ra.

Ngồi cùng ông P- có nhà gần một cơ sở tái chế bọc nilon ở ấp Trung, xã Tân Quới, ông P- chua xót nói: “Các cơ sở tái chế bọc nilon tồn tại ở đây khoảng 10 năm là ngần đó năm dân chúng tôi sống chung với mùi hôi thối. Nhà báo lâu lâu mới lại còn biết hôi với thối chứ bọn tôi ở đây ngửi mùi thôi riết quen quá. Phản ánh hoài vẫn vậy. Hàng xóm, láng riềng không hà, biết sao bây giờ chả lẽ nói hoài”.

Ông S. - một người dân nơi đây cho biết, các cơ sở tái chế bọc nilon bắt đầu hình thành ở xã Tân Quới khoảng trên dưới 10 năm nay. Có thời điểm trên địa bàn xã tồn tại gần 20 cơ sở. Do ít vốn, làm ăn thua lỗ, hiện trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 10 cơ sở. Để có nguyên liệu hoạt động, các cơ sở này thu mua nguồn bọc nilon phế thải từ Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác về tái chế, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở tái chế bọc nilon mang nguồn ô nhiễm về địa phương.

Mùi hôi mà người dân địa phương nơi đây gánh chịu xuất phát từ những bao tải bọc nilon phế thải của các cơ sở tái chế bọc nơi đây vựa lại chờ phân loại, đưa vào sản xuất. Ngoài mùi hôi thối, bọc nilon phế thải còn là nguồn phát sinh rất nhiều ruồi. Ông S nói: “Khổ nhất là những lúc có đám tiệc. Mới dọn đồ ăn ra, ruồi liền bu vào đen kịt. Khách rất ngại ăn uống, người dân phải mua thuốc xịt trước cho đỡ ruồi”.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân trong quá trình sản xuất, ở khâu bằm tơi bọc nilon phế thải, các cơ sở này còn ngang nhiên xả nước thải ô nhiễm trực tiếp xuống sông Tiền.

Đã có trường hợp người dân sống cạnh cơ sở tái chế bọc nilon ở xã Tân Quới phải bỏ xứ ra đi. Điển hình như gia đình anh Đinh Văn Quýt. Trước đây, vợ chồng anh Quýt sống ổn định với nghề làm thuê làm mướn và buôn bán nhỏ. Từ khi cơ sở tái chế bọc nilon hoạt động đến nay, do không chịu được cảnh hôi thối, ruồi nhặng, gia đình anh Quýt đóng cửa nhà sang huyện Phú Tân, An Giang kiếm sống.

Sống trong ô nhiễm vì các cơ sở tái chế bọc nilon gây ra, nhiều người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng đâu lại vào đấy. Ông S. nói: “Mỗi lần báo với bên môi trường huyện hay tỉnh xuống kiểm tra, xử lý thì các cơ sở này ngừng hoạt động”.

Hiện, người dân nơi đây rất mong muốn ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, xử lý các cơ sở tái chế bọc nilon gây ô nhiễm để trả lại không khí trong lành cho người dân.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn