Bé 4 tuổi đọc chữ vanh vách

Cập nhật ngày: 31/03/2014 04:50:29

Đã 4 tuổi nhưng không nói chuyện với ai, rồi những tháng gần đây, bé cũng chỉ nói được từ “đi”. Nhưng, điều khiến mọi người hết sức bất ngờ là bé đọc được chữ và số, dù chưa đi học ngày nào. Đó là em Nguyễn Tấn Bo ngụ ấp 6, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự.


Bé Nguyễn Tấn Bo đọc vanh vách

Bỗng dưng đọc được chữ

Bo sinh ngày 4/3/2010, là con thứ 2 của chị Nguyễn Thị Hạnh (25 tuổi). Chị Hạnh cho biết, Bo sanh đúng ngày dự sanh và sanh không khó. Gần 4 tuổi nhưng vẫn không nói chuyện với ai, đến nay, Bo vẫn chưa kêu được tiếng ba, mẹ, thế nhưng gần đây bé lại biết đọc. Nhìn bất cứ những gì có chữ, số xuất hiện trên ti vi, giấy dán vách nhà, tập, sách, bé đều đọc được. Người đầu tiên phát hiện Bo biết đọc chữ là em Nguyễn Đức Mạnh, 16 tuổi ngụ gần nhà Bo. Mạnh kể “Chiều hôm đó em đang mặc áo có chữ Việt Nam đi ngoài đường, Bo nhìn vào áo em và đọc “Việt Nam”. Quá bất ngờ nên em chạy nói cho những người xung quanh biết, mọi người dắt bé Bo đi đọc các biển số xe, đọc chữ trong tập, sách và bé đều đọc được”.

Buổi chiều, chúng tôi đến nhà chị Hạnh nhưng không gặp Bo. Lúc này chị Hạnh mới kêu Tấn Beo - anh của Bo đi tìm Bo về. Vừa vào nhà, Bo đòi ăn mì gói nhỏ, thấy vậy mẹ Bo mang mì ra và chỉ những chữ trên gói mì, bé đều đọc đúng. Để xác định Bo có đọc được nhiều kiểu chữ, quyển tập, sách khác nhau hay không, chúng tôi mở ngẫu nhiên 1 trang trong sách Tiếng Việt 1, Bo đọc từ dòng “Những đêm nào trăng khuyết” đến dòng “Đất nước ta tuyệt đẹp”. Bo đọc nhanh và không sai chữ nào, có điều giọng đọc của bé giống chất giọng người miền Bắc.

Mượn 1 quyển sách lớp 8 của học sinh ở gần nhà chị Hạnh, chúng tôi chỉ những dòng chữ ở nhiều trang khác nhau, bé đều đọc được; lấy điện thoại di động ra đưa bé xem dãy số, bé đều đọc được từ 1 đến 9, bấm vô các mục có dòng chữ “tin nhắn mới”, “tìm kiếm danh bạ”,... bé đều đọc đúng. Khi chúng tôi ghi dòng chữ tiếng Anh “Happy New Year”, bé chịu đọc nhưng nghe không rõ lắm.

Ông Bùi Văn Chức, Trưởng Ban nhân dân ấp 6, xã Thường Thới Hậu B cho biết, trường hợp của Bo, ông đã báo cáo về UBND xã Thường Thới Hậu B, lãnh đạo UBND xã cũng đã nắm thông tin. Theo ông Chức, một người quen của ông đã từng đưa cây viết bảo Bo viết tên của người ấy thì Bo viết ra đúng tên. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa viết cho Bo viết thì bé không chịu viết.

Những biểu hiện lạ?

Sống trong căn nhà khá đơn sơ, chị Hạnh cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chồng chị hằng ngày đi gánh cá mướn cho một công ty, chị ở nhà giữ con. Do nhà túng thiếu nên Bo không được uống sữa hộp và ăn những món ngon. Cả 2 vợ chồng không biết chữ, có 2 con, đứa con lớn học lớp 1, đang tập đánh vần các chữ cái. Trước giờ không ai chỉ bé Bo học.

Gần đây bé Bo thích đọc chữ, thích xem phim hoạt hình, hát karaoke và hát không sai chữ nào. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nương, nhà gần nhà chị Hạnh cho biết, nhiều lần chị đang ngồi trong nhà, Bo qua chơi, thấy viết, quyển vở để trên bàn Bo lấy mang lại đưa cho chị và chỉ vào quyển vở chứ không nói. Do biết Bo thích đọc chữ nên chị ghi chữ ra để bé đọc. Chị ghi ra bao nhiêu chữ thì Bo cũng đọc được bấy nhiêu.

Từ khi Bo biết đọc chữ, bé thường xuyên nói được với những người thân trong gia đình duy nhất chữ “đi”. Chị Hạnh hỏi đi đâu thì bé không nói mà chỉ tay ra ngoài đường. Khi chị không cho đi thì bé cũng trốn đi một mình. Nói về hiện tượng lạ của con, chị Hạnh cho biết: “Nhiều lần Bo tự đi một mình, cách nhà 2, 3 cây số, tôi đi hỏi thăm nhiều người mới gặp Bo, khi gặp Bo không khóc, Bo vẫn đang chạy bộ trên đường. Hỏi chạy đi đâu thì Bo im lặng”. Ngoài ra, bé còn có những biểu hiện như: lấy quần áo của cha bé ra mặc nhiều lần trong ngày; những buổi trưa bé muốn ăn cơm là tự vô bếp bưng nồi cơm xuống ăn và bé thích tự tắm một mình.

Hữu Nghĩa

Nói về trường hợp bé Nguyễn Tấn Bo, PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết, chưa thể nói gì về hiện tượng của bé Bo. Có thể cháu Bo xem anh học, vốn thông minh cháu nắm được và biết đọc. Địa phương nên mời một nhà khoa học đến nhà bé để khảo sát hiện tượng của bé. Ta không nên xem bé như “thần đồng” vì rất nhiều trẻ em lúc bé được coi là “thần đồng” nhưng lớn lên chỉ là người bình thường. Quan trọng là ta nên giáo dục bé cho tốt.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn