Chủ động phòng, chống dịch cúm ở người

Cập nhật ngày: 20/05/2013 04:26:48

Tỉnh Đồng Tháp đang lo ngại lớn về cúm A/H5N1, cúm A H1N1 và H7N9. Hơn bao giờ hết, công tác phòng, chống dịch bệnh cúm ở người đang được địa phương quan tâm đặc biệt.

Phòng bệnh nơi vùng biên

Là tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia (CPC) dài gần 50km nên Đồng Tháp có mối lo ngại rất lớn về tình trạng các bệnh cúm A/H5N1, H1N1 và H7N9 bùng phát và lây lan trên địa bàn.

Tuyên truyền phòng, chống cúm gia cầm cho người dân khu vực biên giới

Ở các huyện biên giới như Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồng Tháp phối hợp với các ngành, các cấp của địa phương chủ động, tăng cường việc tuyên truyền phòng, chống dịch cúm trên địa bàn đóng quân cho toàn bộ chiến sĩ và nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa thông qua các buổi nói chuyện trực tiếp, kết hợp tuyên truyền bằng loa phát thanh và phát tờ rơi, tờ bướm về bệnh cúm A/H5N1, H1N1 và H7N9.

Bên cạnh đó, nhằm chủ động phòng ngừa từ xa, BĐBP Đồng Tháp phối hợp với chính quyền, nhân dân CPC mở rộng tuyên truyền cho hơn 1.000 người dân nước bạn về phòng, chống cúm A/H5N1, H7N9,... đồng thời siết chặt các biện pháp quản lý khu vực biên giới nhằm đấu tranh, xử lý với nạn nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc vào nội địa.

Trung tá-Bác sĩ Phạm Đại Đồng - Chủ nhiệm Quân y BĐBP Đồng Tháp cho biết, tuyến biên giới quá dài, trình độ nhận thức của người dân về phòng, chống các loại bệnh cúm còn thấp và tình trạng người dân vận chuyển gia cầm nhỏ lẻ từ CPC về Việt Nam sử dụng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch cúm ở khu vực biên giới.

Trung tá Lê Thành Lâm - Đồn Phó kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà cho biết: “Giá gia cầm của CPC thấp hơn tại Việt Nam từ 4.000 - 5.000 đồng/kg nên một số người dân sống dọc tuyến biên giới qua nước bạn mua gia cầm về giết thịt. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh”.

Việc kiên quyết xử lý với tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc từ CPC được BĐBP Đồng Tháp phối hợp thực hiện nghiêm.

Nguy cơ từ việc nuôi gia cầm quanh nhà

Tuy được tuyên truyền nhiều về sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng nhiều người dân vẫn còn khá chủ quan trong việc phòng, ngừa. Một số gia đình vẫn “vô tư” ăn thịt gia cầm bị bệnh, đồng thời khi có hiện tượng gia cầm bị chết hàng loạt, người dân không khai báo với ngành chức năng để có biện pháp xử lý.

Cụ thể, vào giữa tháng 4/2013, tại hộ của ông Phạm Văn Chanh ở ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng có đàn vịt gần 100 con bị chết. Ông Chanh không khai báo với ngành thú y và y tế để xử lý mà tự đào hố chôn. Sau khi hay được tin, Bộ Chỉ BĐBP Đồng Tháp phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng và Cơ quan kiểm dịch tỉnh Đồng Tháp đến thực hiện các bước cần thiết để dịch bệnh không phát sinh.

Xử lý môi trường khu vực biên giới

Do dân cư khu vực biên giới có tập quán ở nhà sàn và tận dụng nuôi nhốt gia súc, gia cầm phía dưới các sàn nhà nên cũng tiềm ẩn nguy cơ bệnh cúm lây lan bùng phát từ gia súc, gia cầm sang người.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh-HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng cho biết: “Nuôi nhốt gia súc, gia cầm quanh nhà hay tận dụng nhà sàn để nuôi nhốt gia súc, gia cầm phía dưới là tập quán cũ. Dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều lần cho người dân việc chăn nuôi như thế sẽ có nguy cơ cao phát sinh và lây lan dịch bệnh nhưng rồi vẫn vậy. Vấn đề này có lẽ sẽ rất lâu dài mới chuyển biến được”.

Đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh cúm ở người đang được tỉnh Đồng Tháp quan tâm hơn lúc nào hết. Cùng với việc phòng, chống dịch cúm A/H5N1, H1N1, công tác phòng, chống cúm A/H7N9 ở người trên địa bàn tỉnh đang được đẩy mạnh.

Để sớm phát hiện, xử lý kịp thời không để dịch lây lan và hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9 trên địa bàn tỉnh, mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 58 về hành động phòng, chống cúm A/H7N9 ở người trên địa bàn tỉnh với 4 tình huống để các cấp, các ngành chủ động thực hiện gồm: chưa có trường hợp bệnh trên người; có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây lan từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ và tình huống dịch bùng phát ra cộng đồng.

Các hoạt động cụ thể sẽ được triển khai trong những tình huống được đưa ra như: tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm; tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân; đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại các cửa khẩu và khu vực biên giới; các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân...

Phú Thuận

Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, công tác phòng, chống cúm trên địa bàn tỉnh hiện nay quan trọng nhất là giám sát chặt chẽ tình hình bệnh và giám sát tốt virút bệnh trên người và gia cầm.

Tình trạng người dân nuôi nhốt gia súc, gia cầm ngay nơi ở như hiện nay sẽ rất nguy hiểm vì sẽ tạo điều kiện cho virút cúm lây từ gia súc, gia cầm sang người và giúp cho virút cúm biến đổi yếu tố di truyền để trở thành chủng virút mới độc hại hơn.

Từ tháng 12/2004 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 5 trường hợp tử vong vì cúm A/H5N1. Các địa phương có trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 là thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình (1 ca); xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (3 ca), xã Phú Long, huyện Châu Thành (1 ca).

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn