Tuổi trẻ Đất Sen hồng

Chung tay xây dựng “Làng quê đáng sống”

Cập nhật ngày: 18/02/2024 05:44:31

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240218054620cx6.mp3

 

ĐTO - Với phương châm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tuổi trẻ Đất Sen hồng đã và đang tạo dựng nhiều dấu ấn tích cực trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là triển khai thực hiện mô hình “Làng quê đáng sống” tại Ấp 1, xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười) bước đầu đạt hiệu quả, tạo sức lan tỏa, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh (thứ 6 từ trái sang) và đồng chí Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (thứ 6 từ phải sang) thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành công trình Số hóa Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp

Nhiều công trình ý nghĩa

Ngày 17/7/2022, Trung ương Đoàn tổ chức ra quân Ngày cao điểm Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới điểm cấp Trung ương. Trong đó, Ấp 1, xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười) là 1 trong 3 địa phương trên cả nước được Trung ương Đoàn chọn xây dựng mô hình “Làng quê đáng sống” (viết tắt là mô hình). Qua hơn 1 năm thực hiện mô hình, các cấp bộ Đoàn đã triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, mục tiêu mô hình hướng đến là xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Việc thực hiện mô hình gắn liền với các đợt hoạt động cao điểm của đoàn viên, thanh niên trong Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè hàng năm. Cụ thể, trong Tháng Thanh niên năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức lễ ra quân Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới” năm 2023 gắn với xây dựng mô hình. Đồng thời, tháng 8/2023, Trung ương Đoàn tổ chức ra quân hoạt động Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng cấp Trung ương năm 2023, góp phần hỗ trợ nhiều nguồn lực thực hiện mô hình.


Đoàn viên, thanh niên xã Tân Kiều trồng cây xanh trên các tuyến đường thuộc Ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười

Qua đó, nhiều công trình được triển khai thực hiện: khánh thành công trình “Số hóa các điểm di tích lịch sử” tại Khu di tích Gò Tháp; tặng 400 sọt phân loại rác và chế phẩm sinh học cho các hộ dân; gắn 10 bộ camera giám sát để xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”; vận động thực hiện mới 2km tuyến đường “Thắp sáng đường quê”... Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục được đẩy mạnh như: xây dựng “Sân chơi thể thao cộng đồng”, công trình điểm “Wifi công cộng”, trao tặng các vườn cây sinh kế cho thanh niên. Công tác chăm lo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện với hàng trăm phần quà được các cấp bộ Đoàn vận động trao tặng hộ nghèo, học sinh nghèo hiếu học. Từ khi thực hiện mô hình đến nay, ước tính tổng giá trị các công trình, phần việc được hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thay đổi rõ nét diện mạo địa phương, nâng cao nhận thức người dân chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Chị Ngô Thị Thêu (SN 1983) ngụ Ấp 1, xã Tân Kiều, chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình, tôi và nhiều người dân trong Ấp 1 được các bạn đoàn viên tuyên truyền, tặng sọt phân loại rác và hướng dẫn cách phân loại rác thải. Từ đó, giúp tôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn. Đường quê ở đây hiện rất khang trang, sạch đẹp, có camera lắp trên các tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông”.


Tuyến đường “Thắp sáng đường quê” tại Ấp 1, xã Tân Kiều

Lan tỏa tinh thần tình nguyện

Bên cạnh giá trị về vật chất, mô hình đã nhân lên và lan tỏa tinh thần tình nguyện, khát vọng cống hiến của đoàn viên, thanh niên trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Lê Hoàng Quyết - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện mô hình, Ấp 1 nói riêng, xã Tân Kiều nói chung dần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, cải thiện môi trường sống, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại. Hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Về lợi ích kinh tế và tinh thần, mô hình góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế thông qua các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, kinh tế, chuyển đổi số; cải thiện điều kiện sống, cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân, đoàn viên, thanh niên.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, mô hình sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện đến hết nhiệm kỳ vào năm 2027. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục tăng cường phối hợp với địa phương trong triển khai xây dựng mô hình, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả. Tuyên truyền, vận động người dân địa phương hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thực hiện các công trình, phần việc, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao; đặc biệt là chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng quê, xây dựng địa phương thành nơi đáng sống.

Ngân Nguyễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn